Giá cà phê giảm xuống đáy 50 năm, nông dân không mặn mà chăm sóc vườn
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê niên vụ 2017 - 2018 ước đạt 1,55 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với niên vụ 2016 - 2017. Xuất khẩu cà phê trong niên vụ này ước đạt 1,5 triệu tấn, đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng 0,8% về lượng nhưng giảm 10,5% về giá trị so với vụ trước.
Nguyên nhân là do giá cà phê nhân giảm xuống mức thấp nhất 50 năm trong khi chi phí như nhân công, xăng dầu và các dịch vụ, phân bón, thuốc trừ sâu tăng. Giá bán hiện nay xuống thấp hơn cả giá thành sản xuất, khiến người nông dân không chú tâm vào chăm bón gây ảnh hưởng tới năng suất của mùa vụ.
Giá cà phê giảm xuống đáy 50 năm, nông dân không 'mặn mà' chăm sóc vườn |
VICOFA cho hay hiện nay có nhiều thông tin dự báo khác nhau về mùa vụ tới thời tiết thuận lợi. Các địa phương vẫn đang trong thời kỳ tái canh cải tạo vườn cây cà phê nên nhiều vườn chưa cho thu hoạch. Tuy nhiên, một số diện tích tái canh lại chuyển sang trồng sầu riêng, bơ, chanh leo và cây khác có giá trị cao hơn, dẫn tới diện tích cà phê giảm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 4521/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 là cơ sở để các địa phương rà soát diện tích tái canh cà phê trên địa bàn.
Tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên đến hết năm 2017 là 98.210 ha, tương đương trên 81% kế hoạch năm 2020 là 120.000 ha. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cao nhất là 51.971 ha, tương đương 113 % kế hoạch đến 2020.
Diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất và chất ngay cả khi trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ngoài 120.000 ha cần tái canh theo Đề án, vẫn còn 100.000 ha nữa đang cần được tái canh.
Theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, VICOFA vẫn giữ mục tiêu diện tích trồng cà phê cả nước quanh mức 600.000 ha.
Đối với các sản phẩm cà phê, VICOFA cho biết những năm qua hoạt động chế biến cà phê tăng trưởng nhanh chóng, từ 53.565 tấn (năm 2014) lên 72.293 tấn (năm 2015) và lên 91.036 tấn (năm 2016) với trị giá lần lượt đạt 273,86 triệu USD, 305,78 triệu USD và 339,26 triệu USD.
Trong 5 năm tới dự báo lượng xuất khẩu cà phê đã qua chế biến vẫn sẽ tăng lên đến 200.000 tấn, gấp đôi mức hiện tại. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ cà phê trong nước cũng tăng lên 15% sẽ khiến lượng cà phê nhân xuất khẩu giảm xuống còn mức 1 – 1,2 triệu tấn/năm.