Giá cà phê bước vào chu kỳ tăng mới, có thể chạm mức 47.000 đồng/kg vào cuối năm?
Giá cà phê có thể trở lại thời kỳ tăng giá mới, có thể đạt 47.000 đồng/kg?
Giá cà phê trong những tháng qua đã có những chuyển biến tích cực. Đáng chú ý trong tháng 7, giá cà phê arabica đạt mức cao nhất trong 7 năm nhờ nguồn cung giảm mạnh từ các nước lớn trong khi nhu cầu đang dần phục hồi sau đại dịch.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 đạt 164,8 triệu bao (bao 60kg), giảm 11 triệu bao so với niên vụ trước.
Nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm sản lượng tại Brazil khi cây cà phê arabica bước vào năm cuối của chu kỳ sản xuất hai năm một lần và thời tiết không thuận lợi.
Sản lượng thấp kéo theo tồn kho cà phê toàn cầu giảm 7,9 triệu bao xuống 32 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.
Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu ước tính tăng 1,8 triệu bao lên 165 triệu bao, với sự gia tăng tại Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil. Như vậy, dự kiến tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ vượt sản lượng trong niên vụ 2021-2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) giá cà phê toàn cầu có xu hướng tăng nhờ nguồn cung giảm, nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường lớn như Mỹ, EU phục hồi.
Cụ thể, trên sàn giao dịch liên lục địa (ICE), ngày 27/8, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 9 đạt 2.012 USD/tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam ngày 27/8 cũng biến động cùng chiều với giá cà phê thế giới, tăng mạnh 10.200 – 10.600 đồng/kg so với thời điểm giá cà phê chạm đáy vào tháng 4/2019, chỉ còn 28.400 – 30.300 đồng/kg.
Trao đổi với người viết, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết: "Giá cà phê nội địa chạm mốc hơn 40 triệu đồng/tấn và kết thúc chu kỳ giảm giá 4 năm liên tiếp.
Tuy nhiên, giá cà phê có thể trở về thời kỳ hoàng kim 45 – 47 triệu đồng/tấn hay không phụ thuộc vào tình hình kiểm soát COVID-19 và tốc độ phục hồi kinh tế thế giới. Mà các yếu tố này đang thay đổi từng ngày", ông Tự nói.
Ngoài ra, giá cà phê còn phụ thuộc vào yếu tố mùa màng và thời tiết của các nước trồng. Đại diện VICOFA dự báo vụ thu hoạch cà phê của Việt Nam vào tháng 11 sắp tới có thể bị giảm 10 - 15% sản lượng do mưa nhiều, quả chín bị rụng, thối hỏng.
Trong khi nhu cầu các thị trường chính như Mỹ, EU đang phục hồi nhờ chiến dịch tiêm chủng vắc xin và mở cửa kinh tế, sản lượng cà phê giảm là cơ sở để kỳ vọng giá cà phê tiếp tục tăng trong thời gian tới.
"Nếu COVID-19 được kiểm soát tốt, ngành du lịch trỗi dậy sau đại dịch thì xu hướng tăng giá cà phê trên thế giới sẽ ổn định", ông Tự nói.
Chia sẻ với người viết, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Intimex cho biết trước đây, giá cà phê robusta trên sàn London lên tới 2.600 USD/tấn thì giá cà phê ở thị trường Việt Nam mới chỉ 40 triệu đồng/tấn.
"Đến nay, giá cà phê trên sàn London chỉ khoảng 2.000 USD/tấn, giá cà phê Việt Nam đã đạt hơn 40 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá được mơ ước của người Việt trong nhiều năm nay", ông Nam nói.
Chưa kịp mừng đã vội lo
Gần 8 tháng đầu năm, giá cà phê trong nước tăng mạnh là tín hiệu tích cực cho ngành cà phê khi COVID-19 bủa vây toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, chưa kịp mừng đã vội lo khi ngành hàng này đang đối mặt với tình trạng thiếu container và chi phí vận chuyển tăng cao, đặc biệt là các tuyến đi Mỹ và châu Âu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường Mỹ luôn mua hàng với điều kiện CNF (giá đã bao gồm tiền hàng và cước phí) khiến doanh nghiệp Việt chịu rủi ro về chi phí vận chuyển.
Cước container 40 feet vận chuyển đi Mỹ khoảng 13.500 USD, tăng 5 - 6 lần so với mức giá đầu năm 2020. Trong khi đó, giá cước vận tải từ Brazil tới Mỹ chỉ khoảng 4.000 USD/container tăng từ khoảng 1.500 USD - 2.000 USD/container trước đại dịch.
Điều này khiến cho cà phê của Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm của Brazil hay các nước Nam Mỹ khác.
Để hạn chế rủi ro vì giá cước vận tải tăng, VICOFA khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu nên xem xét chuyển sang hình thức xuất khẩu FOB (giá giao tại cảng xuất), thay vì chọn hình thức chịu chi phí giao hàng tận nơi.
Hiện, giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam khoảng 1.900 USD/tấn (FOB) và Brazil nhỉnh hơn với khoảng 2.000 USD/tấn (FOB).
Ông Đỗ Hà Nam cho biết: "Việt Nam sắp vào vụ thu hoạch nên giá cà phê rẻ hơn trong khi Brazil mất mùa, giá cao.
Việt Nam và Indonesia hai nguồn cà phê có thể bù đắp thâm hụt sản lượng của Brazil. Tuy nhiên, sản lượng của Indonesia khá ít nên các nước có thể sẽ đổ dồn vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ thuận lợi bởi đây là cơ hội ngành cà phê Việt Nam".
Ông Nam nhận định dù COVID-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu cà phê song mức độ ảnh hưởng không lớn như những ngành khác. Đợt giãn cách ở 19 tỉnh phía Nam không trùng vụ thu hoạch cà phê, nhà máy tự động hóa nên cần ít công nhân nên vẫn duy trì được sản xuất và chế biến.
Khó khăn lớn nhất vẫn là việc vận chuyển cà phê từ kho ra đến cảng, từ cảng Việt Nam đến điểm giao hàng chưa thực sự thông suốt. Song đại diện Intimex cho rằng xuất khẩu cà phê sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm.