Giá bitcoin tăng 50% từ đầu năm, đánh bại vàng và cổ phiếu
Ngày 1/1/2023, bitcoin được giao dịch với giá hơn 16.500 USD. Đến ngày 15/3, bitcoin dao động quanh ngưỡng 25.000 USD nhờ cuộc phục hồi bắt đầu từ cuối tuần trước.
Trong quá khứ, giá bitcoin có tương quan chặt chẽ với chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq. Nhưng từ đầu năm 2023 đến hết ngày 15/3, Nasdaq mới chỉ tăng 9,2%. Trong cùng giai đoạn, chỉ số S&P 500 nhích lên 1,4% còn Dow Jones giảm 3,8%. Vàng, loại tài sản thường được nhà đầu tư ưa chuộng trong những giai đoạn thị trường hỗn loạn, cũng chỉ tăng 5%.
Hiếm có loại hàng hóa hoặc chỉ số chứng khoán nào có đà tăng đáng nể hơn bitcoin trong năm 2023. Còn nếu xem xét các cổ phiếu riêng lẻ, Meta (công ty mẹ của Facebook) đã tăng khoảng 64%.
Gây bất ngờ
Trong năm 2022, bitcoin mất 65% giá trị sau hàng loạt đổ vỡ của các dự án và quỹ đầu cơ, rắc rối thanh khoản và vụ phá sản của FTX, một trong những sàn tiền mã hóa lớn nhất thế giới.
Đà tăng gần đây của bitcoin có phần đáng ngạc nhiên, do hai trong số nhà băng lớn nhất của ngành tiền mã hóa là Silvergate và Signature đã sụp đổ. SVB, ngân hàng được coi là xương sống của các startup công nghệ, cũng bị cơ quan quản lý tiếp quản.
Ông Antoni Trenchev, đồng sáng lập nền tảng tiền mã hóa Nexo, nói với CNBC: “Mức tăng 50% của bitcoin trong năm 2023 một phần là do đồng tiền này đã lao dốc thảm hại sau khi FTX phá sản, phần khác là do triển vọng lãi suất thay đổi và sự sụp đổ của SVB”. Tuy nhiên, giá bitcoin hiện tại vẫn thấp hơn 60% so với mức đỉnh gần 69.000 ghi nhận trong tháng 11/2021.
Vậy, nhờ đâu bitcoin tăng mạnh như vậy?
Các ngân hàng sụp đổ
Những gì diễn ra tại Silvergate, Signature và SVB đã khiến thị trường tài chính bị chấn động. Nhưng ông Vijay Ayyar, Phó Giám đốc mảng quốc tế và phát triển doanh nghiệp tại sàn giao dịch Luno, cho rằng chính những sự việc này đã giúp bitcoin hồi sinh.
Ông Ayyar nhận định: “Những sự kiện xoay quanh sự sụp đổ của SVB và những ngân hàng khác đã làm sáng tỏ sức mạnh của các loại tiền tệ phi tập trung. Đã có thêm rất nhiều người hiểu rõ hơn về khái niệm tài chính phi tập trung”.
Bitcoin không được phát hành bởi bất kỳ thực thể riêng biệt nào và do đó được coi là một loại tiền tệ phi tiền trung. Bitcoin hoạt động dựa trên công nghệ blockchain và hệ thống của đồng tiền này được duy trì bởi một cộng đồng.
Cuối tuần vừa qua, các nhà quản lý Mỹ đã thiết lập chương trình giải cứu người gửi tiền tại SVB và Signature. Nhà sáng lập Trenchev của sàn Nexo nói rằng sự can thiệp trên “đã nhắc nhở các nhà đầu tư về những thiếu sót mang tính cấu trúc của hệ thống ngân hàng Mỹ và đồng USD. Đó là lý do chúng ta thấy vốn của nhà đầu tư tháo chạy sang bitcoin trong tuần này”.
Những người ủng hộ bitcoin tuyên bố tiền mã hóa là cách để các nhà đầu tư bảo vệ bản thân trước động thái của ngân hàng trung ương, đặc biệt là những hành động có thể làm giảm giá trị của tiền pháp định như nới lỏng chính sách tiền tệ. Họ coi nguồn cung có hạn của bitcoin là đặc tính chính giúp đồng tiền này lưu trữ giá trị.
Triển vọng lãi suất
Sự sụp đổ của các ngân hàng gần đây diễn ra sau một năm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất. Rắc rối của SVB nảy sinh khi ngân hàng này phải bán lượng trái phiếu Kho bạc đang nắm giữ để củng cố bảng cân đối kế toán khi các khách hàng rút tiền. Nhưng SVB bị lỗ nặng khi bán số tài sản đó bởi lãi suất tăng cao đã đẩy giá trái phiếu Kho bạc xuống thấp.
Một số nhà phân tích phỏng đoán rằng sự căng thẳng trong ngành tài chính có thể khiến Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Điều này sẽ giúp ích cho các tài sản rủi ro như cổ phiếu và bitcoin.
Vài ngày trước khi Silvergate và SVB sụp đổ, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã lên tiếng cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ tăng lãi suất lên mức cao hơn dự kiến trước đó.
Ông Trenchev nhận xét: “Chỉ vài ngày, thị trường đã chuyển từ lo ngại Fed diều hâu sang suy đoán rằng Fed có thể sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 3. Người ta thường nói rằng Fed sẽ chỉ ngừng tăng lãi suất khi họ phá vỡ thứ gì đó. Và giờ khi một số ngân hàng đổ vỡ, sự chú ý của mọi người đang đổ dồn cho bitcoin”.