Ghế nóng nhiều ‘ông lớn’ Nhà nước đang để trống
Theo thông tin mới đây từ Bộ Tài chính, tháng 5/2016, Bộ này đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chức danh Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đối với 4 trường hợp đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, việc quy hoạch chức danh Tổng giám đốc SCIC vẫn chưa được phê duyệt.
“Do đó chưa có nhân sự tại chỗ đủ điều kiện để xem xét lựa chọn nhân sự bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc tại SCIC”, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng.
Bộ Tài chính cho hay, tháng 6/2017 đã có quyết định để ông Hoàng Nguyên Học, thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng giám đốc SCIC, nghỉ hưu từ 1/9. Ông Học được giao nhiệm vụ là người đại diện theo pháp luật của SCIC nên đến thời điểm 1/9 cần có nhân sự thay thế ông Hoàng Nguyên Học làm người đại diện theo pháp luật của SCIC.
Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về việc quy hoạch chức danh Tổng giám đốc SCIC để Bộ Tài chính kiện toàn nhân sự Tổng giám đốc theo quy định.
Trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm Tổng giám đốc SCIC, ông Nguyễn Chí Thành Phó Tổng giám đốc SCIC được giao làm đại diện pháp luật thay ông Hoàng Nguyên Học và phụ trách Ban Giám đốc SCIC kể từ ngày 01/9/2017, theo Quyết định số 72/QĐ-ĐTKDV.HĐTV ngày 31/8/2017 của Hội đồng Thành viên SCIC.
Ông Nguyễn Chí Thành sinh ngày 29/5/1972. Ông có bằng Thạc sĩ của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS) Nhật Bản và bằng Cử nhân của Đại học Kinh tế Quốc dân (Việt Nam). Ông từng công tác tại Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tham gia tái cơ cấu nợ nước ngoài và xây dựng chính sách ngoại hối.
Ông bắt đầu làm việc tại SCIC với vai trò Phó Ban Chiến lược vào năm 2006 và được bổ nhiệm là Trưởng Ban Chiến lược từ tháng 11/2008. Từ năm 2010, ông lần lượt giữ các chức vụ Trưởng Ban Quản lý rủi ro, Giám đốc Chi nhánh Phía Nam của SCIC, Trưởng Ban Quản lý vốn đầu tư 3. Ông được bổ nhiệm là Phó Tổng giám đốc của SCIC từ ngày 30/6/2015.
Chủ tịch HĐTV SCIC Nguyễn Đức Chi (phải) trao Quyết định làm đại diện pháp luật thay ông Hoàng Nguyên Học, phụ trách Ban Giám đốc SCIC cho ông Nguyễn Chí Thành (trái) |
Không chỉ có SCIC, ghế Tổng giám đốc của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng đang để trống.
Theo Nghị quyết số 16/NQ-HĐQT-HABECO ngày 16/8/2017, ông Nguyễn Hồng Linh tạm dừng nhiệm vụ điều hành trên cương vị Tổng giám đốc để tập trung cho công việc thoái vốn nhà nước tại Habeco và thu hồi công nợ; xử lý các việc liên quan giữa Công ty Cổ phần bia Hà Nội-Nghệ An và Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt-Lào.
Cũng theo Nghị quyết trên, ông Ngô Quế Lâm, Phó Tổng giám đốc Habeco được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng giám đốc của Habeco.
Việc điều chuyển nhiệm vụ trên được áp dụng từ 21/8/2017.
Ông Ngô Quế Lâm tại một sự kiện do Habeco tổ chức |
Còn với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hơn 1 năm kể từ ngày ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, ông Phan Đức Tú dù trở thành đại diện theo pháp luật của BIDV vẫn chỉ giữ cương vị Tổng giám đốc. Ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT thì giữ cương vị phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT BIDV.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Tiên – thời điểm trước khi vào BIDV là Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN - được NHNN cử vào BIDV làm Thành viên HĐQT đến nay vẫn chưa có thêm cương vị.
Được biết ông Trần Anh Tuấn sinh năm 1958 và còn một năm nữa sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, ông Phan Đức Tú – ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đại diện sở hữu 30%, còn ông Đặng Quang Tiên làm đại diện 30%.
Khoảng trống đại diện gần 40% vốn Nhà nước tại BIDV mà ông Trần Bắc Hà để lại hiện vẫn chưa có ai lấp đầy.
Chiếc ghế Chủ tịch BIDV mà ông Trần Bắc Hà để lại hiện vẫn đang để trống |
“Nóng” nhất là ghế Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Sau 5 tháng kể từ khi Bộ Công Thương điều chuyển công tác đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch PVN, tập đoàn này vẫn chưa có Chủ tịch HĐTV mới.
Trước đó, như VietnamFinance từng đề cập, ghế nóng Chủ tịch PVN có thể được giao cho ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn này, người từng được tặng danh hiệu Anh hùng lao động và là một người từng ghi dấu ấn với vị trí Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC).
Bộ Công thương hồi tháng 4/2017 đã nhất trí với đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về nhân sự Chủ tịch Hội đồng thành viên với ông Nguyễn Hùng Dũng và đang trình các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Trước đó, Bộ Công thương đã làm thủ tục lấy phiếu tín nhiệm cho vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN và ông Nguyễn Hùng Dũng có tỷ lệ tín nhiệm khá cao.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, ứng viên chức Chủ tịch HĐTV PVN |
Ông Nguyễn Hùng Dũng sinh ngày 19/8/1962, có chuyên ngành kỹ sư điều khiển tàu biển. Ông Dũng từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) trước khi được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc PVN từ tháng 6/2013.
Ông Dũng đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và từng là 1 trong 13 cá nhân được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 12. Ông cũng được xem là người đứng sau nhiều thành tựu của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) khi còn làm Tổng giám đốc đơn vị này.