|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

GEX phá đỉnh liên tiếp, CEO Gelex lãi hàng trăm tỷ sau một tuần mua 30 triệu cổ phiếu

08:11 | 22/11/2021
Chia sẻ
Một tuần sau khi CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn mua xong 30 triệu cổ phiếu, GEX liên tiếp tăng lên những kỷ lục mới, kết phiên gần nhất ở mức 51.000 đồng/cp.
GEX liên tục phá đỉnh, CEO Gelex lãi 260 tỷ sau một tuần mua 30 triệu cổ phiếu - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu GEX trong những tháng gần đây, hiện dừng ở 51.000 đồng/cp. (Nguồn: TradingView).

Trong ba ngày từ 10/11 đến 12/11, Tổng Giám đốc Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) Nguyễn Văn Tuấn mua 30 triệu cổ phiếu GEX theo phương thức thỏa thuận. Tổng giá trị giao dịch khoảng 1.000 tỷ đồng, tương ứng với giá trung bình khoảng 35.000 đồng/cp.

Bước sang tuần 15/11 – 19/11, cổ phiếu GEX tăng 4 trong tổng số 5 phiên, bao gồm hai phiên kịch biên độ, hiện dừng ở 51.000 đồng/cp. 

Như vậy, nếu chỉ tính riêng số cổ phiếu vừa được mua thêm, CEO Nguyễn Văn Tuấn đã lãi khoảng 480 tỷ đồng trong một tuần qua.

GEX liên tục phá đỉnh, CEO Gelex lãi 260 tỷ sau một tuần mua 30 triệu cổ phiếu - Ảnh 2.

Ông Tuấn đang nắm giữ tổng cộng 176,4 triệu cổ phiếu GEX, tương ứng 22,58% vốn điều lệ của Gelex. Nếu tính cả người nhà và công ty liên quan, nhóm cổ đông của ông Tuấn đang kiểm soát xấp xỉ 39% vốn tại Gelex với hơn 304 triệu cổ phiếu.

Khi giá GEX vọt lên 26% trong một tuần vừa qua, tài sản của nhóm cổ đông Nguyễn Văn Tuấn và bên liên quan đã tăng gần 3.200 tỷ. Tổng vốn hóa của Gelex tăng 8.202 tỷ lên 39.841 tỷ đồng.

GEX liên tục phá đỉnh, CEO Gelex lãi 260 tỷ sau một tuần mua 30 triệu cổ phiếu - Ảnh 3.

Gelex là doanh nghiệp có vốn hóa tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua.

Tại ngày 30/9 năm nay, Công ty cổ phần MHC (Marina Holdings – Mã: MHC) đang nắm giữ 7,3 triệu cổ phiếu GEX với giá gốc khoảng 20.000 đồng/cp. 

Nếu MHC vẫn "gồng lãi" cho đến bây giờ thì lợi nhuận từ khoản đầu tư vào GEX sẽ là trên 360 tỷ đồng, lớn hơn doanh thu thuần trong 4 năm gần đây cộng lại. Trong một tháng qua, giá cổ phiếu MHC cũng đã tăng 48%.

Tín hiệu khả quan sau khi Gelex sáp nhập Viglacera

Trong quý II và III năm nay, Gelex hợp nhất báo cáo tài chính của Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) sau khi đã gom trên 50% số cổ phiếu lưu hành của tổng công ty này. Do vậy, quy mô tài sản cũng như doanh thu, lợi nhuận năm 2021 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định việc sáp nhập Viglacera giúp bảng cân đối kế toán của Gelex trở nên tích cực hơn. Viglacera là công ty dẫn đầu trong mảng bất động sản khu công nghiệp tại miền Bắc và vật liệu xây dựng (VLXD) trên cả nước.

Viglacera hiện tại đang có tốc độ cho thuê khu công nghiệp (KCN) rất nhanh trong năm 2021 đi kèm với triển khai thêm KCN Thuận Thành - Bắc Ninh vào năm 2022 (đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng từ quý III/2021). Trong mảng VLXD, công ty đưa vào vận hành nhà máy kính nổi siêu trắng đầu tiên của Việt Nam (ứng dụng trong sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời).

GEX liên tục phá đỉnh, CEO Gelex lãi 260 tỷ sau một tuần mua 30 triệu cổ phiếu - Ảnh 4.

Gelex có thể doanh thu từ mảng vật liệu xây dựng sau khi sáp nhập Viglacera.

Gelex sẽ dần niêm yết các công ty con, qua đó giúp cải thiện hiệu quả quản trị và đánh giá lại doanh nghiệp. VCBS cho biết Gelex Electric đã hoàn thành đấu thầu và dự kiến sẽ giao dịch trên UPCoM trong quý cuối năm 2021, tiếp theo sẽ là Gelex Infrastruture.

Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh (Mã: TBD) thuộc Gelex Electric đang trong quá trình xin sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm phát hành thêm 7,1 triệu cổ phiếu. Dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12 này.

Đồng thời, Gelex sẽ dần triển khai M&A với các công ty trong lĩnh vực bất động sản giúp nâng thêm giá trị doanh nghiệp.

Các dự án năng lượng tái tạo của Gelex đã đi vào hoạt động và hoàn thành vận hành thương mại (COD) vào 31/10 vừa qua, tức là kịp hạn chót để được hưởng cơ chế giá FIT ưu đãi.

Theo VCBS, các dự án điện gió Gelex 1, 2, 3 và Hướng Phùng 2, 3 sẽ cung cấp 420 - 460 triệu kWh/năm và đem về thêm cho GEX doanh thu 810 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế (giai đoạn đã trả hết vay nợ, khoảng 3 năm sau vận hành) là khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định:

  • Điện gió trong đất liền: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 US cent/kWh (chưa bao gồm VAT).
  • Điện gió trên biển: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 US cent/kWh (chưa bao gồm VAT).
  • Áp dụng cho các dự án điện gió có một phần hoặc toàn bộ nhà máy vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Song Ngọc - Đức Quyền

Bầu Đức: Bằng mọi cách phải xóa lỗ lũy kế trong năm 2024
Công ty đặt kế hoạch lãi 1.320 tỷ đồng trong năm 2024 và sẽ hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển 280 tỷ, con số này chưa thể giúp doanh nghiệp xóa lỗ lũy kế nhưng bầu Đức khẳng định sẽ bằng nhiều cách để xóa lỗ trong năm nay.