|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

GEX liên tục kịch trần với thanh khoản đột biến sau tin công ty con sắp lên sàn

19:02 | 04/01/2022
Chia sẻ
Cổ phiếu GEX của Gelex có giá trị giao dịch khủng nhất thị trường phiên 4/1. VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes tác động tích cực nhất tới đà tăng của chỉ số.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc trong phiên đầu năm 2022 với VN-Index tăng 1,82% lên đỉnh mới gần 1.526 điểm, VN30-Index cũng tăng 1,51% lên gần 1.559 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index cũng đi lên tương ứng 0,02% và 0,92%.

Thanh khoản thị trường được cải thiện với giá trị giao dịch ở HOSE đạt 28.616 tỷ đồng, tăng 10% so với phiên cuối năm 2021.

GEX tăng trần hai phiên liên tục

Cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex dẫn đầu thanh khoản với giá trị mua bán 1.130 tỷ đồng. Kết phiên, GEX tăng kịch trần 6,89% lên 43.450 đồng/cp và dư mua gần 5 triệu đơn vị.

Trong phiên cuối năm 2021, GEX cũng tăng trần. So với đỉnh lịch sử thiết lập hôm 19/11, GEX còn kém khoảng 7%.

GEX liên tục kịch trần với thanh khoản đột biến sau tin công ty con sắp lên sàn - Ảnh 1.

Cổ phiếu Tập đoàn Gelex diễn biến khả quan sau khi Công ty cổ phần Thiết bị Điện Gelex (gọi tắt là Gelex Electric) thông báo đã hoàn tất thủ tục đăng ký đại chúng và đang hoàn thiện thủ tục để đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM vào tháng 1/2022.

Gelex Electric có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tương ứng 300 triệu cổ phần, và là công ty con do Tập đoàn Gelex sở hữu 80%. Ngoài Gelex Electric, Tập đoàn Gelex còn một công ty con khác là CTCP Hạ Tầng Gelex với tỷ lệ sở hữu 99,998%.

Các công ty con này kiểm soát nhiều doanh nghiệp thành viên trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, sản xuất điện, kinh doanh bất động sản, cho thuê khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, …

Tính đến tháng 9/2021, Gelex Electric có tổng tài sản hợp nhất 20.158 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 13.283 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương 69% doanh thu hợp nhất của cả Tập đoàn Gelex.

Trong báo cáo phân tích hồi tháng 11, Chứng khoán VCBS cho biết việc Gelex dần niêm yết các công ty con sẽ giúp quản trị hiệu quả hơn và cải thiện định giá doanh nghiệp.

GEX liên tục kịch trần với thanh khoản đột biến sau tin công ty con sắp lên sàn - Ảnh 3.

GEX dẫn đầu giá trị khớp lệnh phiên đầu năm 2021.

Những cổ phiếu tím trần khác

Trong top 10 thanh khoản HOSE phiên 4/1 còn có hai cổ phiếu khác tăng kịch trần là BAF của Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam và CII của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

BAF đưa 78 triệu cổ phiếu lên sàn hôm 3/12 với giá tham chiếu 20.000 đồng/cp. Kết phiên 4/1, cổ phiếu nông nghiệp này dừng ở 43.950 đồng/cp, tăng 120% so với giá chào sàn.

Cổ phiếu CII đóng cửa ở đỉnh lịch sử 49.600 đồng/cp. Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cho biết CII cùng với VCG, HHV, LCG, FCN, C47, TCD là những cổ phiếu trong ngành công nghiệp - hạ tầng nhiều khả năng được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công năm 2022.

Trong 3-5 năm tới, "đầu tư công là lĩnh vực được dành sự quan tâm đặc biệt và được Chính phủ tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế", Mirae Asset nhận định.

GEX liên tục kịch trần với thanh khoản đột biến sau tin công ty con sắp lên sàn - Ảnh 4.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì dự báo CII, HHV và C4G là những cổ phiếu được hưởng lợi nhiều từ các gói đầu tư công do các doanh nghiệp này có hợp đồng trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

GEX nằm trong top 15 cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index phiên đầu năm 2022 khi giúp chỉ số tăng 0,041%. Cổ phiếu nâng đỡ mạnh mẽ nhất cho VN-Index là VIC của Tập đoàn Vingroup với 0,383%, theo sau là VHM của Vinhomes - công ty con của Vingroup - với tỷ lệ 0,23%.

GEX liên tục kịch trần với thanh khoản đột biến sau tin công ty con sắp lên sàn - Ảnh 5.

Các bluechip có vốn hóa cũng như giá trị giao dịch tương đối lớn như HPG, SSI, VPB đều không có tên trong top tác động tích cực tới VN-Index phiên 4/1 do mức tăng giá khá khiêm tốn.

Đức Quyền - Song Ngọc