GEC dưới góc nhìn của các công ty chứng khoán
Chỉ số VNINDEX theo đó tạm thời ghi nhận mức giảm 24% tính đến tháng 7 năm 2022 so với cuối năm 2021. Theo các Công ty Chứng khoán và Quỹ đầu tư trong ngoài nước, GEC đang có sự cộng hưởng tốt từ sự tăng trưởng hợp lý về quy mô công suất, tiềm năng phát triển và hoạt động kinh doanh cốt lõi ổn định qua nhiều năm. Từ đầu năm 2022 đến nay, các Công ty Chứng khoán đã phát hành cho cộng đồng Nhà Đầu tư 14 Báo cáo phân tích tập trung chủ yếu là khuyến nghị Mua/Nắm giữ GEG với giá mục tiêu lên tới 30.000 đồng/cổ phiếu, tăng 41% so với giá thị trường hiện nay.
Tháng 3/2022, Công ty Chứng khoán Yuanta đã đánh giá triển vọng GEC trong năm 2022 rất khả quan tại Yuanta Morning Notes nhờ vào 3 Dự án Điện Gió mới đi vào hoạt động từ tháng 10/2021 cùng với sự phục hồi nhu cầu điện trong bối cảnh kinh tế hồi phục. Dự kiến GEC sẽ hưởng lợi lớn trong trung hạn 2022-2025 khi nhu cầu điện ở Việt Nam tiếp tục tăng tích cực 9,9% hàng năm theo rà soát Dự thảo Quy hoạch Điện VIII vào tháng 7 của Bộ Công Thương. Yuanta khuyến nghị tiếp tục Nắm giữ Cổ phiếu GEG tại vùng giá 28.050 đồng.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng khuyến nghị Mua GEG với giá mục tiêu 25.800 đồng, tăng 12% so với giá thị trường tại Báo cáo Ngành Điện tháng 4/2022. PHS đánh giá với định hướng giảm phát thải ròng về 0 năm 2025, Ngành Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tiếp tục được hưởng lợi, giá điện trong năm 2022 sẽ cao hơn cùng kỳ từ đó thúc đẩy kết quả kinh doanh của các Công ty Năng lượng tái tạo, tiêu điểm là cổ phiếu GEG. PHS dự phóng Doanh thu và Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của GEC lần lượt đạt 2.897 tỷ đồng và 528 tỷ đồng.
Tháng 5/2022, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc đưa vào vận hành 3 Nhà máy Điện Gió vào tháng 10/2021 sẽ thúc đẩy lợi nhuận năm 2022 của Công ty. Lợi nhuận từ các Nhà máy Năng lượng tái tạo gồm Điện Mặt trời và Điện Gió dự kiến sẽ tăng qua các năm nhờ vào việc giảm dần lãi vay khi GEC trả nợ đều đặn dẫn đến sự tăng trưởng của Biên Lợi nhuận. Hiện nay biên lợi nhuận gộp của GEC đang cao hơn đáng kể - đạt trên mức 51% trong 7 năm gần đây so với trung bình ngành chỉ khoảng 35%.
Trong trung hạn, GEC sẽ tập trung phát triển Điện Gió để gia tăng công suất và mở rộng danh mục Năng lượng xanh. Bên cạnh đó, GEC sẽ tận dụng kinh nghiệm triển khai để phát triển Điện Gió gần bờ Tân Phú Đông 1 (100 MW) và V.P.L 2 (30 MW), tăng gấp đôi công suất hiện tại trong mảng này. VDSC khuyến nghị tích lũy cổ phiếu GEG với giá mục tiêu 25.000 đồng/cổ phiếu, tăng 14% so với giá đóng cửa cùng ngày.
HSC - một trong những Công ty có đội ngũ phân tích được đánh giá cao về chất lượng theo nhận định của các Nhà Đầu tư Tổ chức cho rằng GEC là Công ty dẫn đầu trong ngành năng lượng tái tạo và sở hữu danh mục đa dạng gồm Thủy điện, Điện Mặt trời và Điện Gió. Công ty có thể giảm thiểu rủi ro trước những biến đổi khí hậu.
HSC cho rằng GEG là cổ phiếu tiềm năng nhất trong nhóm Dịch vụ Tiện ích với khoảng 27 mã cổ phiếu thuộc các Ngành cung cấp Điện, Nước và đưa ra khuyến nghị Mua với giá mục tiêu lên tới 29.900 đồng/cổ phiếu, tăng 37% so với giá đóng cửa 5/5/2022.
Trong tuần đầu tháng 6/2022, tại Báo cáo về nhóm Thủy điện năm 2022, Agriseco nhận định GEG hiện đang sở hữu danh mục Năng lượng tái tạo đa dạng. Agriseco khuyến nghị Mua đối với GEG với giá mục tiêu lên đến 30.000 đồng/cổ phiếu, tăng 22% so với giá đóng cửa 10/6/2022 với kì vọng GEG sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực trong các quý tới với động lực từ cả mảng Thủy điện và Năng lượng tái tạo khác.
Gần đây nhất, VCBS thông tin đến các nhà đầu tư trong Báo cáo cập nhật cổ phiếu GEG. VCBS cho rằng triển vọng đầu tư vào GEG trong thời gian tới sẽ đến từ các yếu tố (i) Quy hoạch điện VIII dự kiến được phê duyệt với kịch bản ưu tiên phát triển các Dự án Năng lượng tái tạo đặc biệt là Điện Gió đến 2030 và bổ sung Điện Mặt trời và Pin lưu trữ giai đoạn 2045; (ii) Dự kiến có chính sách dành cho các Dự án Điện Gió, Điện Mặt trời chuyển tiếp; (iii) GEC hoàn thành xong Dự án Điện Gió Tân Phú Đông 1; (iv) GEC sẽ tiếp tục phát triển các Dự án Điện Gió, Điện Mặt trời sau khi có chính sách mới.
Bên cạnh đó, dòng tiền ổn định từ các dự án hiện hữu đảm bảo cho việc trả nợ và phục vụ việc đầu tư các dự án tiềm năng mới. Doanh thu dự phóng năm 2022 của GEC đạt 2.037 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông Công ty mẹ đạt 386 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và 36% so với cùng kỳ. EPS đạt 1.198 đồng/cổ phiếu và P/E dự phóng ở mức 18,1 lần. VCBS khuyến nghị Mua đối với GEG với giá mục tiêu cao hơn 32% so với thị giá đạt 29.800 đồng/cổ phiếu.
GEC đã đưa vào vận hành 21 Nhà máy Năng lượng tái tạo với công suất gần 600 MWp tại 14 Tỉnh Thành với tổng mức đầu tư các Dự án lên đến trên 11.100 tỷ đồng. Thị phần GEC tại Việt Nam vào khoảng gần 1% và dự kiến tăng lên 5% vào năm 2030, theo đánh giá phân tích của VnDirect.
Với chiến lược đa dạng hóa các loại hình Năng lượng tái tạo, GEC bắt đầu khởi động mở rộng sang Điện Gió ngoài khơi, Điện Rác và Điện Sinh Khối. Tỷ lệ công suất Năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện VIII là 34% và 52% đến năm 2030 và 2045 theo rà soát Dự thảo vào tháng 7 của Bộ Công Thương.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng điện dự kiến của GEC đạt 483 triệu kWh, tăng 69% cùng kỳ. Tổng Doanh thu và Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.100 tỷ đồng và 220 tỷ đồng, lần lượt tăng 66% và 34% so với cùng kỳ; góp phần giảm phát thải 408 nghìn tấn CO2 và cung cấp điện cho khoảng 330 ngàn hộ gia đình. Lũy kế trong giai đoạn 2010 đến 6 tháng 2022, GEC đang cung cấp gần 4,5 tỷ kWh sản lượng điện cho lưới điện Quốc gia, giảm phát thải lên đến 9 triệu tấn CO2 và cung ứng điện cho gần 3 triệu hộ gia đình.