|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TTC Sugar (SBT): Toàn diện chuỗi cung ứng trên nền tảng phát triển bền vững

08:00 | 01/07/2022
Chia sẻ
Tiến tới mở rộng quy mô hoạt động trên toàn cầu, CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (Mã: SBT) xem chuỗi cung ứng là mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo dòng chảy hàng hóa, tối ưu chi phí và đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng.

 

SBT ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động tối ưu hóa chuỗi cung ứng 

Sau khi thành công go-live hệ thống ERP Oracle Fusion Cloud vào tháng 7/2021, SBT đã khẩn trương chuẩn bị cho việc vận hành các phân hệ còn lại trong chiến lược số hóa của mình nhằm tối ưu chuỗi giá trị, tăng cường sự minh bạch và gia tăng lợi ích của các bên tham gia. 

Cụ thể, Công ty đã tiến hành các bước cẩn trọng trong việc đánh giá và phân kì hoàn thiện toàn bộ hoạt động của chuỗi cung ứng cùng với các đối tác tư vấn để đưa ra lộ trình triển khai các phần mềm hỗ trợ như: E-bidding, Smart Factory, WMS (Hệ thống quản lý kho), TMS (Hệ thống quản lý vận chuyển mía), v.v. kết nối toàn bộ chuỗi vận hành không chỉ cho mía, đường mà còn liên kết các mảng kinh doanh mới theo mô hình cung ứng xanh, phù hợp chiến lược đến năm 2025 mà Công ty đang hướng tới.

SBT đã chủ động xây dựng mô hình chuỗi cung ứng tích hợp thông qua hệ thống ERP Oracle Fusion Cloud. (Ảnh: TTC Sugar).

Đồng hành với năng lực công nghệ là sự chuyển mình đổi mới và nâng cấp chuyên môn của đội ngũ nhân sự quản lý chuỗi cung ứng, giúp cho hoạt động cung ứng hàng hóa và quản lý trở nên linh hoạt hơn.

Bà Lâm Thị Cẩm Lệ - Tân Phó Tổng Giám đốc Khối Cung ứng SBT. (Ảnh: TTC Sugar).

Giữ cương vị Tân Phó Tổng Giám đốc Khối Cung cứng của SBT, bà Lâm Thị Cẩm Lệ với hơn 23 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành Quản lý Chuỗi cung ứng tại các tập đoàn đa quốc gia sở hữu chuỗi cung ứng mạnh hàng đầu như: Procter & Gamble, Johnson & Johnson, Suntory Pepsico Beverage Vietnam, Sanofi, v.v. Bà được kỳ vọng sẽ hỗ trợ SBT trong việc cải tiến và tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ 4.0 và các giải pháp cân đối, tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

“Trước mắt, định hướng của SBT là phát triển chuỗi cung ứng có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của các ngành Hàng tiêu dùng nhanh cũng như các giải pháp cho sản phẩm nông nghiệp của công ty trên thị trường trong nước và quốc tế.” - Bà Lệ chia sẻ. 

Nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng thông qua việc kiểm soát tốt các rủi ro

Thời gian qua, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có xu hướng bị đứt gãy ở nhiều khâu quan trọng do chịu tác động của rất nhiều cuộc khủng hoảng mang tính chất “thiên nga đen” như đại dịch Covid-19 đi liền với sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn về nguồn cung ứng các nguyên vật liệu đang bị khủng hoảng bởi cuộc chiến giữa Nga-Ukraine, chính sách zero Covid tại Trung Quốc, đã đẩy các khó khăn và thách thức của chuỗi cung ứng toàn cầu lên tới đỉnh điểm. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành đường nói riêng cũng chịu ảnh hưởng lớn với rất nhiều rủi ro. 

Trước bối cảnh đó, SBT đã nỗ lực áp dụng các biện pháp ngắn hạn nhưng quyết liệt trong việc kiểm soát, tiết giảm việc tăng giá nguyên vật liệu và chi phí vận tải thông qua việc đàm phán, phân bổ lại sản lượng cũng như tìm thêm các nhà cung ứng mới để đảm bảo nguồn cung. Ngoài ra, các biện pháp tự rà soát các hoạt động kinh doanh cũng thường xuyên được triển khai nhằm tránh lãng phí nguồn lực và phát sinh chi phí không cần thiết.

Chuỗi cung ứng ở SBT đóng một vai quan trọng trong việc đảm bảo dòng chảy hàng hóa được thông suốt, đạt hiệu quả tối ưu chi phí, và đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. (Ảnh: TTC Sugar).

“Tận dụng lợi thế sở hữu hệ thống vùng nguyên liệu, mạng lưới nhà máy và hệ thống phân phối rộng khắp, SBT giữ vững sự linh hoạt trong hoạt động phân phối và chủ động trong đàm phán giá nguyên vật liệu, dịch vụ đầu vào, từ đó giúp Công ty kiểm soát tốt chi phí, chủ động trong việc gia tăng khả năng cạnh tranh. Chúng tôi tự tin có thể ứng phó với các thách thức để vừa duy trì nâng cao hiệu suất của chuỗi cung ứng mà vẫn đảm bảo phát triển tốt kết quả kinh doanh.” – Bà Lệ chia sẻ.

Các khó khăn cấp vĩ mô vẫn sẽ còn tiếp diễn trong niên độ mới và có thể kéo dài đến cuối năm 2023. Ý thức được điều đó, SBT đã khẩn trương xây dựng các yếu tố nền tảng và phát huy thế mạnh chuỗi cung ứng để giảm thiểu tối đa các yếu tố tác động ngoài kế hoạch. Song song, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ hội hiện có tại Việt Nam, SBT tiếp tục tối ưu hóa các thế mạnh, tối thiểu hóa các rủi ro và tăng cường hợp tác trao đổi thông tin để tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Chiến lược toàn diện chuỗi cung ứng tạo đà bứt phá trên thị trường quốc tế của SBT

Với định hướng tiên phong trở thành Công ty nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững và hài hòa quyền lợi với các bên liên quan, SBT đang tiếp tục tận dụng các năng lực nền tảng làm trọng tâm để phát triển đội ngũ quản lý và các quy trình vận hành, áp dụng công nghệ cao, song song nâng cao hơn nữa năng lực ứng dụng công nghệ của đội ngũ nhân sự, vận dụng các mô hình quản trị chuỗi cung ứng hiện đại qua từng giai đoạn như mô hình chuỗi cung ứng 3A (Agility – Adaptability – Alignment), mô hình chuỗi cung ứng xanh (Green SCM), v.v. nhằm phát triển chuỗi cung ứng bền vững trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, SBT cũng chú trọng phát triển mạng lưới nhà cung ứng trong và ngoài nước bằng việc duy trì cung cấp các sản phẩm Đường đảm bảo chất lượng tốt, đi kèm dịch vụ bán hàng luôn cải tiến, đồng thời giữ vững vị thế là nhà sản xuất Đường hàng đầu, được các doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến thực phẩm, nước giải khát, sữa, dược phẩm, v.v. ưu tiên lựa chọn để tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm của mình.

Ngoài mở rộng hợp tác cùng các nhà cung ứng hiện tại, SBT cũng đang thể hiện năng lực vững vàng của mình để thu hút các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ cao có cùng nhu cầu dịch chuyển. 

Bà Lệ kỳ vọng: “Năng lực dẫn đầu ngành Mía đường Việt Nam và các hoạt động xúc tiến hoạt động sản xuất kinh doanh ra thị trường quốc tế gần đây là điều kiện vàng để SBT có thể xây dựng các mối quan hệ chiến lược với các nhà cung cấp, nhằm tối ưu chi phí đầu vào cũng như hướng tới các giá trị cộng hưởng giữa các bên (JVC – Joint Value Creation). Trong giai đoạn phát triển mới khẳng định vị thế trên thế giới sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành hàng loạt các biện pháp phân loại nhà cung cấp, tái đánh giá năng lực cung ứng và mức độ sẵn sàng hợp tác với các đối tác chiến lược, cũng như tìm thêm các nhà cung cấp mới. Dựa vào đó chúng tôi sẽ xây dựng các chiến lược phát triển ngắn, trung và dài hạn với các nhà cung cấp tại từng thị trường nội địa và nước ngoài, phục vụ định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, xanh và bền vững của SBT.” 

Bích Thu