GDP phải tăng 7% trong 9 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng
|
Phát biểu tại họp báo Tình hình Kinh tế Xã hội quý I ngày 29/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, với mức tăng trưởng 5,1% trong quý I, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% của Chính phủ, 9 tháng còn lại kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng ở mức 7%.
Ông Lâm cũng nhận định đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ và mặt hàng chiến lược sẽ gây áp lực tới lạm phát và ảnh hưởng tới giá sản xuất trực tiếp tác động tới tăng trưởng. Ví dụ về việc tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực như phục hồi của ngành nông nghiệp, tình hình thành lập doanh nghiệp khả quan, kinh tế Việt Nam còn một số thách thức lớn.
“Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động của chúng ta vẫn còn thấp, các dân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc, lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao... Chưa kể tình hình thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất”, đại diện Tổng cục Thống kê cảnh báo.
Theo đó, vị Tổng cục trưởng đưa ra một số khuyến nghị thúc đẩy phát triển kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Thứ nhất, theo Tổng cục cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Đồng thời, Chính phủ cần chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ khởi nghiệp.
Thứ hai, thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách nhà nước và chính sách tài khoá, nuôi dưỡng nguồn cung ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ thu kịp thời. Thực hiện tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế, gian lận thương mại, có giải pháp chống chuyển giá, đặc biệt ở khối FDI. Giám sát chặt chẽ các khoản chi ngân sách, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ do nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý trong năm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thứ ba, cần có giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn cho đầu tư công, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đây là một trong 3 khâu đột phá được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011 – 2020. Tổ chức tốt kế hoạch đầu tư công năm 2017.
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thúc đẩy, chuyển giao ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất, hướng đến nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng và hỗ trợ khắc phục hạn hán thiên tai.
Thứ năm, cần có chính sách thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong nước, hạn chế nước ngoài thâu tóm hệ thống siêu thị, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu, bao gồm thị trường truyền thống và thị trường có sức mua tiềm năng.
Thứ sáu, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội nhằm xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế người dân gặp khó khăn, thiên tai kịp thời.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/