Gấp rút tìm phương án điều phối nông sản, thực phẩm tại khu vực phía Nam
Chiều 19/7, Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tp. Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm tổ trưởng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phía Nam nhằm phối hợp thực hiện phương án điều phối vận chuyển, cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm của vùng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên diện rộng.
Thách thức về cung ứng, vận chuyển hàng hóa
Từ 0 giờ ngày 19/7, ngoài 3 tỉnh, thành đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, 16 tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam cũng áp dụng giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch.
Đây là thách thức lớn trong việc điều phối, cung ứng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm giữa các tỉnh, thành với nhau, đặc biệt là giữa các tỉnh, thành với Tp. Hồ Chí Minh - thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất khu vực.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố hiện có khoảng 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm là rất lớn. Cụ thể, trung bình mỗi tháng, Thành phố cần khoảng 59.500 tấn gạo, 22.640 tấn thịt lợn, gần 20.000 tấn thịt gia cầm, hơn 64,6 triệu quả trứng gia cầm các loại và 127.366 tấn rau củ quả.
Tuy nhiên, khả năng cung ứng của ngành nông nghiệp thành phố đối với các mặt hàng thiết yếu trên chỉ đáp ứng được từ 7,8 - 19,47% nhu cầu. Như vậy, 80 - 90% sản lượng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phải phụ thuộc vào nguồn cung từ các tỉnh, thành khác.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, năng lực cung ứng của các kênh tại thành phố như sau: các doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 30 - 40% thị phần; thương nhân các chợ đầu mối chiếm 60 - 70% thị phần, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác chiếm 10 - 20% thị phần.
Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch bệnh COVID-19, có tới 3 chợ đầu mối và trên 150 chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động nên nhiều người dân Thành phố có tâm lý lo ngại thiếu thực phẩm, dẫn đến tình trạng gom các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Theo tính toán sơ bộ của Sở Công Thương, hiện thị trường thành phố đang thiếu hụt khoảng 1.500 tấn rau củ quả và 300.000 – 400.000 quả trứng gia cầm mỗi ngày.
Trong khi đó việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ vào Tp. Hồ Chí Minh gặp khó khăn do các chốt kiểm dịch kiểm tra tài xế lái xe chở hàng phải đủ giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, còn hiệu lực (3 ngày) và giấy xác nhận cho phép lưu thông do công ty, đơn vị cấp. Nếu không đủ các giấy tờ trên sẽ không được qua, điều này đã dẫn đến ách tắc trong cung ứng và tiêu thụ nông sản về thành phố.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là nguồn cung cấp sản lượng lớn rau củ cho Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay giá các loại rau củ có thể bảo quản được lâu đã tăng lên từ 30 - 50%, thậm chí là 70% so với trước. Trong khi đó các loại rau ăn lá, khó bảo quản lại khó tiêu thụ nên giá giảm.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã liên hệ với Tp. Hồ Chí Minh để hỗ trợ nông sản cho các vùng cách ly. Hiện nay, mỗi ngày, Lâm Đồng có khả năng cung ứng cho Thành phố từ 6.000 - 7.000 tấn rau, củ.
Trong khi đó, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, Tp. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ số lượng lớn nhiều loại nông sản, trái cây và sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai, tuy nhiên, từ khi Tp. Hồ Chí Minh và Đồng Nai cùng áp dụng Chỉ thị 16 thì việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Dự báo, những ngày tới, sau khi các tỉnh thành khác ở khu vực phía Nam cùng áp dụng Chỉ thị 16 thì việc tiêu thụ hàng hóa của Đồng Nai càng khó hơn.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh thông tin, trong khoảng 2 tuần tới, Tây Ninh sẽ thu hoạch 24.000 tấn rau và 80.000 tấn lúa. Ngoài sản lượng tiêu thụ tại chỗ, Tây Ninh có thể cung ứng cho Tp. Hồ Chí Minh 20.000 tấn rau, 40.000 tấn lúa.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, tỉnh đang gặp khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa dẫn đến giá một số mặt hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn giảm, trong khi giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nên người dân có tâm lý dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, chăn nuôi.
Việc cung ứng hàng hóa cho Tp. Hồ Chí Minh hiện gặp trở ngại lớn nhất là các tài xế liên tục bị yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm COVID-19 nên không dám đi.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh cũng phản ánh tình trạng các tài xế rất ngại vận chuyển hàng hóa lên Tp. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các tỉnh ở xa như An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu do phải đi qua nhiều chốt kiểm soát mà mỗi chốt, mỗi địa phương lại yêu cầu một thủ tục khác nhau.
Xây dựng quy trình vận chuyển, phân phối thống nhất
Để đáp ứng đủ nhu cầu nông sản, thực phẩm cho Tp. Hồ Chí Minh đồng thời tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ cho các tỉnh, thành khác trong khu vực suốt thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đại diện nhiều địa phương, hiệp hội cho rằng, cần thống nhất quy trình vận chuyển hướng dẫn cụ thể trong tất cả các khâu cung ứng nông sản.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tập trung rà soát, giới thiệu các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi, các đơn vị sản xuất sản phẩm nông sản an toàn và có nguồn hàng ổn định tham gia phân phối hoặc cung ứng hàng hóa cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và các đơn vị tiêu thụ hàng hóa nông sản trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, Sở cũng định hướng, giới thiệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết trong quá trình đầu tư, phát triển chăn nuôi, tạo nguồn lương thực, thực phẩm bình ổn thị trường Thành phố những tháng tới.
Đối với nguồn hàng nông sản từ các tỉnh về Tp. Hồ Chí Minh, Sở sẽ phối hợp Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương để giới thiệu điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa; thống nhất quy trình và hướng dẫn các địa phương thực hiện nhất quán, tránh mỗi nơi một kiểu gây khó khăn cho doanh nghiệp, ách tắc luân chuyển hàng hóa.
Thành phố cũng dự kiến kết nối với các hợp tác xã tại các tỉnh, thành để trung chuyển hàng hóa không cần thông qua chợ đầu mối.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị 16, các doanh nghiệp thu mua rau quả chưa được hướng dẫn cụ thể. Tại các nhà máy sơ chế, công nhân rất lo ngại do chưa có hướng dẫn lao động trong điều kiện dịch bệnh. Thêm vào đó, các vùng bị phong tỏa dẫn đến thương lái không thể vào thu mua, làm thị trường bị thiếu hụt.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị ngành nông nghiệp có biện pháp, hướng dẫn cụ thể trong tất cả các khâu như thu hoạch, nhà máy sơ chế, vận chuyển tiêu thụ để giải quyết tình trạng ùn ứ tại nơi sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở nơi tiêu thụ.
Đại diện ngành nông nghiệp các địa phương đều cho biết sẵn sàng cung ứng nông sản, thực phẩm cho Tp. Hồ Chí Minh phù hợp với năng lực hiện có.
Tuy nhiên, Tp. Hồ Chí Minh và lãnh đạo các tỉnh, thành cần thống nhất với nhau về quy trình vận chuyển, tiếp nhận, phân phối, tạo điều kiện để các tài xế vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận lợi, giảm các chi phí và thủ tục phát sinh, đẩy gánh nặng giá cả lên người tiêu dùng.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, có một số việc cần làm ngay của các tỉnh thành phía Nam để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và những tháng sau đó.
Đầu tiên, cần theo dõi dự báo tình hình nguồn cung từ nay đến cuối năm. Các tỉnh, thành trong khu vực đều có 2 nhiệm vụ là phải đảm bảo cung ứng tại chỗ cho địa phương mình và tiếp tục hỗ trợ cho Tp. Hồ Chí Minh.
Các tỉnh, thành phố cần báo cáo cho Tổ công tác đặc biệt của Bộ về tình hình cơ sở sản xuất giết mổ. Đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh, phải chú trọng công tác phòng chống dịch tại các cơ sở này, bởi chỉ cần một nhân viên cơ sở giết mổ nhiễm COVID-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các tỉnh, thành nên phối hợp với Bộ Công Thương và Tp. Hồ Chí Minh để xây dựng, củng cố các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, thực phẩm; trong đó, sớm hình thành các chuỗi cung ứng thể hiện vai trò của Nhà nước để điều phối kịp thời khi cần thiết.
Điển hình như chuỗi cung ứng – tiêu thụ sản phẩm giết mổ gia súc, gia cầm giữa Đồng Nai – Tp, Hồ Chí Minh, chuỗi cung ứng rau quả Lâm Đồng – Tp. Hồ Chí Minh…
Với các tỉnh, thành đang gặp khó khăn về tiêu thụ các loại trái cây, nông sản, cần đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử cũng như phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) quảng bá, kết nối xuất khẩu.
Ngoài vấn đề tiêu thụ, phân phối sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý các địa phương tập trung giải quyết những bất cập trong việc cung ứng vật tư đầu vào, thức ăn chăn nuôi; đồng thời, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường để đảm bảo nguồn cung nông sản ổn định cho tiêu dùng những tháng cuối năm và phục vụ xuất khẩu.