Gặp khó, Trung Quốc mở cửa thị trường và nền kinh tế hơn nữa
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (đứng giữa) khẳng định cam kết mở cửa thị trường trong cuộc họp báo về Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc
Cam kết mở cửa hơn nữa nền kinh tế được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra ngày 9/4 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) -Trung Quốc diễn ra tại Thủ đô Brussels của Bỉ. Người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc khẳng định, nước này sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa nền kinh tế và tăng cường quan hệ với EU.
Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk đánh giá cam kết mở cửa hơn nữa nền kinh tế nói chung và với EU nói riêng “là một bước đột phá” khi cả hai bên thống nhất cam kết đẩy mạnh toàn cầu hóa và theo đuổi các quy tắc quốc tế. Sở dĩ Chủ tịch Hội đồng EU đánh giá cao như vậy bởi vấn đề này đã được đặt ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc 2 năm trước đây song không thể tìm được tiếng nói chung khiến Trung Quốc không ký vào bản Tuyên bố chung.
Dù là những đối tác kinh tế lớn của nhau, trong đó Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU trên toàn cầu với kim ngạch trao đổi thương mại song phương tới 1 tỷ USD (khoảng 1,16 tỷ USD) mỗi ngày, song hai bên thường xảy ra các tranh cãi, tranh chấp thương mại. Brussels cáo buộc Bắc Kinh dựng lên rào cản thương mại không công bằng để bảo hộ thị trường và doanh nghiệp trong nước.
EU luôn yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện những cam kết đối với việc cải cách WTO, trong đó yêu cầu then chốt là vấn đề trợ cấp các ngành công nghiệp trong nước. Liên minh này cũng yêu cầu Bắc Kinh phải đảm bảo tiếp cận thị trường cũng như một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp EU hoạt động tại Trung Quốc.
Bởi thế, việc EU và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về việc mở cửa thị trường được xem là bước đột phá mang tính bước ngoặt và điều này cũng chỉ “chốt” lại được sau các cuộc thương lượng gắt gao vào phút cuối tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels. Theo đó, hai bên cam kết “tiếp cận thị trường rộng rãi và thuận tiện hơn, không phân biệt đối xử”.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chấp nhận có những sự nhượng bộ trong việc mở cửa thị trường với EU. Quyết định được nhìn nhận không dễ dàng với Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh quốc gia này đang gặp khó, chịu sức ép rất lớn từ Mỹ trong quan hệ kinh tế - thương mại.
Những đòn tấn công bằng việc đánh thuế cao hàng trăm tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đã gây ra nhiều khó khăn cho Trung Quốc, một nền kinh tế tăng trưởng dựa rất nhiều vào xuất khẩu. Thấy rõ nhất là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm tỷ lệ thuận với gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ và có khả năng chỉ đạt 6-6,5% trong năm 2019 này, mức tăng được cho thấp nhất kể từ khi cải cách, mở cửa kinh tế tới nay.
Để lấy lại đà tăng trưởng cũng như giảm áp lực từ Mỹ và EU, Trung Quốc đã phải chấp nhận việc mở cửa hơn nữa thị trường và rộng lớn hơn là nền kinh tế. Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, Bắc Kinh vào ngày 8/4 cũng đã giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ máy tính, đồ nội thất đến xe đạp… trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang theo dõi sát sao những thay đổi trong chính sách thương mại của nước này.
Cùng với mở cửa kinh tế, Trung Quốc cũng tiến hành nhiều cải cách kinh tế quan trọng ở trong nước nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thích hợp và hiệu quả nhất để thoát ra trong thế bị dồn vào chân tường.