|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

EU chỉ trích Mỹ 'cường điệu' đe dọa thuế quan và sẵn sàng đáp trả

15:47 | 10/04/2019
Chia sẻ
Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích các đề xuất đánh thuế mới của Mỹ nhắm vào hàng hóa châu Âu, sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra phát quyết về việc khối này trợ cấp cho tập đoàn sản xuất máy bay Airbus.

Mỹ đe dọa đánh thuế nhưng phải đợi WTO đưa ra kết luận

CNBC đưa tin, căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ bùng nổ vào hôm 8/4 sau khi Mỹ cho biết đang cân nhắc áp gói thuế mới trị giá 11 tỉ USD lên nhiều hàng hóa có xuất xứ từ EU để đáp trả các khoản trợ cấp bất hợp pháp EU dành cho Airbus.

WTO đã ra phán quyết vào cuối năm 2018 rằng những khoản tiền trợ cấp này của EU gây ra "ảnh hưởng bất lợi cho Mỹ". Quyết định trên được đưa ra sau một cuộc kiện tụng kéo dài giữa Washington và Brussel về hai hãng sản xuất máy bay khổng lồ của họ.

Cổ phiếu của Airbus giảm 2,3% vào hôm qua (ngày 9/4) sau khi Mỹ công bố đề xuất thuế quan trên.

Phát ngôn viên của Airbus cho biết, không có cơ sở pháp lí nào cho việc Mỹ áp lệnh trừng phạt lên hàng hóa của EU và EU cũng đã tuân thủ các phán quyết của WTO. Ủy ban châu Âu đã chỉ trích các đề xuất từ phía Mỹ.

"EU tin rằng mức độ của các biện pháp đối phó từ Mỹ là quá cường điệu. Các biện pháp trả đũa được công nhận bởi WTO chỉ có thể được xác định bởi trọng tài viên do WTO chỉ định", một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho hay.

EU chỉ trích Mỹ cường điệu đe dọa thuế quan và sẵn sàng đáp trả - Ảnh 1.

Mỹ đe dọa áp thuế quan lên hàng hóa EU nhằm đáp trả hành động trợ cấp cho Airbus của khối này. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vào hôm 8/4, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã cho biết, họ sẽ áp thuế quan lên hàng hóa có nguồn gốc từ EU, gồm máy bay, cá, các sản phẩm sữa, ống nhòm, dầu ô liu và rượu vang, theo danh sách sơ bộ.

Văn phòng này nói rằng họ ước tính thiệt hại từ các khoản trợ cấp của EU trong thương mại là 11 tỉ USD mỗi năm, mặc dù số tiền này phải được phân xử tại WTO (kết quả được dự kiến sẽ ban hành vào mùa hè năm nay).

"Vụ việc này đã dây dưa trong 14 năm, và đã đến lúc phải hành động. Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị để phản hồi ngay lập tức nếu WTO đưa ra kết luận về giá trị của các biện pháp đối phó của Mỹ", Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết hôm 8/4.

Hiện tại, cả hai bên đều bị kết tội trả hàng tỉ USD tiền trợ cấp để giành lợi thế trong hoạt động sản xuất máy bay toàn cầu.

EU vẫn đang chờ đợi thông tin từ WTO về "những quyền trả đũa" mà khối này có sau khi WTO phát hiện vào năm 2012 rằng Boeing cũng đã nhận được hàng tỉ USD tiền trợ cấp bất hợp pháp và gây thiệt hại cho Airbus.

WTO cũng đưa ra phán quyết trong tháng 3 vừa qua rằng Mỹ đã không tuân thủ hoàn toàn phán quyết trước đó trong việc loại bỏ tất cả khoản trợ cấp bất hợp pháp mà Boeing nhận được.

Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cũng cho biết vào hôm qua, Brussel đã sẵn sàng trả đũa thích đáng, đồng thời lưu ý rằng trong tranh chấp liên quan đến Boeing, quyết định về quyền trả đũa của EU cũng đang đến gần và EU sẽ yêu cầu trọng tài viên do WTO chỉ định nhằm xác định các quyền trả đũa của khối này.

Một số nhà phân tích đã cáo buộc Mỹ đặt ra tiêu chuẩn kép. Ông Ali Miremadi, Giám đốc Đầu tư Cổ phần Toàn cầu của GAM, cho biết đề xuất thuế quan của Mỹ là khá táo bạo.

"Tôi phải thừa nhận rằng việc Mỹ - quê nhà của Boeing - cáo buộc châu Âu trợ cấp cho Airbus là khá táo bạo", ông nói với tờ CNBC vào hôm qua. "Ai cũng hiểu rằng Boeing và Airbus tồn tại được là hoàn toàn nhờ vào quốc gia quê nhà của mình".

Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sắp hoàn thành, Mỹ đang nhắm đến EU?

Lời đe dọa mới nhất của chính phủ Mỹ xuất hiện sau khi căng thẳng giữa Mỹ và EU về thuế quan có thể áp lên ô tô và phụ tùng ô tô đang sục sôi. Một quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Mỹ hiện đang đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại sau gần một năm áp thuế quan lên hàng nhập khẩu của nhau. EU có thể là "kẻ thù" tiếp theo của Mỹ trong một cuộc chiến tranh thương mại mới.

"Ngay cả khi chúng ta xong việc với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Mỹ sẽ chuyển hướng tấn công sang EU", bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng tại OECD, nói với tờ CNBC tại Hội thảo Ambrosetti ở Italy hôm 5/4.

"Vì vậy, tôi nghĩ rằng bằng cách phá hoại hệ thống dựa trên qui tắc đa chiều về thương mại, chúng ta đã khiến thế giới bất an thêm", bà Boone nói.

Các chiến lược gia đã cảnh báo rằng thuế quan không nên xuất hiện vào thời điểm tồi tệ nhất của EU khi tăng trưởng và sản xuất công nghiệp dường như quá dễ bị tổn thương. 'Thuế quan vẫn là một đám mây đen đối với tăng trưởng kinh tế tại châu Âu", ông Luis Costa, trưởng bộ phận chiến lược CEEMEA FX tại Citi, cho hay.

Trần Nam Thi