|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gạo Việt Nam từng bước chinh phục thị trường Mỹ

07:11 | 13/05/2021
Chia sẻ
Mỹ đang quay trở lại nhập khẩu gạo của Việt Nam sau quãng thời gian liên tục giảm từ năm 2015-2019.

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong 3 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gạo của Mỹ đạt 252,5 nghìn tấn, trị giá 230,6 triệu USD, tăng 17% về lượng nhưng giảm 4,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu gạo của Mỹ dù không quá lớn nhưng đây lại là thị trường tiêu thụ vô cùng tiềm năng đối với các loại gạo thơm, gạo hữu cơ có giá trị cao. Bởi vậy, giá nhập khẩu gạo của Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay đạt trung bình 913 USD/tấn, thậm chí giá từ nhiều thị trường lên tới hơn 1.000 USD/tấn.

Hầu hết gạo nhập khẩu của Mỹ là các loại gạo thơm từ châu Á - jasmine từ Thái Lan và basmati từ Ấn Độ và Pakistan. Trung Quốc gần đây đã trở lại là nhà cung cấp thường xuyên gạo hạt vừa và ngắn cho Puerto Rico, một vùng lãnh thổ của Mỹ.

Nhập khẩu gạo của Mỹ có xu hướng tăng trong những năm qua do nhu cầu ngày càng tăng đối với các giống gạo thơm, một phần là do dân số của Mỹ ngày càng tăng đối với các nhóm dân số tiêu thụ gạo. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn chưa phát triển được các giống lúa thơm có các đặc tính giống như các giống lúa thơm châu Á.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, Thái Lan chiếm 62,1% tổng khối lượng gạo nhập khẩu của Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2021, với 156,9 nghìn tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, nhập khẩu gạo của Mỹ từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh 2.893% so với 3 tháng năm 2020, đạt 21,5 nghìn tấn.

Ngược lại, Mỹ giảm nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và Pakistan trong 3 tháng đầu năm nay với mức sụt giảm là 5,6% và 28,4%, đạt lần lượt là 41,9 nghìn tấn và 5,9 nghìn tấn.

Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 5 về xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ với khối lượng đạt 5,6 nghìn tấn, tăng mạnh 21% so với cùng kỳ năm 2020.

Thăng trầm gạo Việt Nam tại Mỹ

Nhìn chung xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Mỹ hiện nay còn tương đối khiêm tốn nếu so với tiềm năng cũng như nhu cầu nhập khẩu gạo của Mỹ (chiếm 2% thị phần) và so với các đối thủ cạnh tranh khác như Thái Lan hay Ấn Độ.

Thực tế thì trước đây, Việt Nam là một trong những thị trường cung cấp gạo lớn cho thị trường Mỹ, đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo vào thị trường này trong năm 2014 với thị phần chiếm gần 9%.

Nhưng sau đó xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã liên tục giảm từ năm 2015 – 2019 và mất dần thị phần vào tay các nhà cung cấp khác.

Lý do là vì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ quy định do thị trường Mỹ đưa ra. Đặc biệt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, các chỉ tiêu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm gạo giữa Việt Nam và Mỹ chưa đồng nhất với nhau. Trong giai đoạn trên, mặt hàng gạo của Việt Nam từng bị Mỹ trả về vì lý do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Trong khi sức ép cạnh tranh từ các nhà cung cấp khác cũng là một trong những nguyên nhân.

Gạo Việt Nam từng bước chinh phục thị trường Mỹ - Ảnh 1.

Nguồn: dataweb.usitc.gov. (Tổng hợp Hoàng Hiệp)

Tuy vậy, điều đáng mừng là từ đầu năm 2020 đến nay xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Mỹ đã có sự chuyển mình tích cực với mức tăng trưởng trên 20%. Điều này cũng cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang được nâng lên đáng kể.

Việc gạo Việt Nam liên tục có mặt trong top đầu tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới những năm gần đây (gạo ST25 của Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và giải nhì năm 2020) đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng cũng như các nhà nhập khẩu gạo tại Mỹ.

Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.

Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như EU, Hàn Quốc, Mỹ.

Hy vọng rằng với sự chuyển mình này, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới. Qua đó đưa thương hiệu gạo của Việt Nam không chỉ thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ mà còn tới các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao khác tại châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan…

Gạo Việt Nam từng bước chinh phục thị trường Mỹ - Ảnh 2.

Nguồn: dataweb.usitc.gov. (Tổng hợp Hoàng Hiệp)

Hoàng Hiệp

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.