|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gạo ST25 tụt hạng: 'Hoa hậu đi thi lần hai làm sao giữ được danh giá?'

18:55 | 14/12/2020
Chia sẻ
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng việc đưa gạo ST25 đi thi là lựa chọn sai lầm bởi điều này làm mất đi danh hiệu mà loại gạo này đã đạt được.

Bài học đắt giá

Năm 2019 đánh dấu gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice sau khi vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh đến từ các nước Thái Lan, Campuchia. 

Thế nhưng năm nay, loại gạo này tiếp tục được đem đi thị và bị tụt hạng xuống giải nhì và nhường lại vị trí quán quân cho gạo Hom Mali của Thái Lan. 

Việc đưa giống gạo đã đạt giải nhất đi thi đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia trong ngành. 

Trao đối với người viết, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định rằng việc đưa gạo ST25 đi thi để rồi bị tụt hạng ảnh hưởng lớn đến hình ảnh loại gạo này trên thị trường quốc tế.

"Khi gạo ST25 đã đạt được mức độ cao nhất nên giữ nó là một biểu tượng của Việt Nam, tạo điều kiện cho xuất khẩu, tiếng thơm của loại gạo này từ đó sẽ đi lên. Tuy nhiên việc đưa ST25 đi thi là bước đi sai làm. Nói một cách bình dân là một sự háo danh đến mức độ mất tỉnh táo", ông Thủy nói. 

Gạo ST25 tụt hạng: 'Hoa hậu đi thi lần hai làm sao giữ được danh giá?' - Ảnh 1.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Ông Thủy phân tích ngành gạo của Việt Nam nắm định vị sản phẩm và thị trường rất kém bởi vì sau khi Thái Lan thua về cuộc thi về gạo thơm, trong những năm qua nước này đã tập trung nghiên cứu để cải thiện giống gạo Hom Mali

Loại gạo này về vị rất ngon nhưng chỉ còn khuyết điểm nữa chưa được thơm bằng gạo ST25. Tuy nhiên, sau khi được nghiên cứu, giống gạo này đã cải thiện được mùi thơm. Bên cạnh đó, đây là sản phẩm mới, chắc chắn sẽ kích thích người tiêu dùng. 

Còn đối với gạo ST25 đã thắng từ năm ngoái nhưng không định vị được sản phẩm của mình. 

“Hoa hậu mà đi thi lần thứ hai làm sao giữ được danh giá? Đây là bài học cho ngành gạo về định vị, tiếp thị và quảng bá sản phẩm”, ông Thủy nói. 

Nếu không phải ST25 thì nên chọn giống gạo nào để đi thi?

Chia sẻ với người viết, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng việc ST25 bị tụt hạng là một bài học chua xót. Ông cho rằng lẽ ra nên chọn các loại gạo đạt giải nhì hoặc ba trong cuộc thi gạo ngon nhất Việt Nam để đi thi thì danh hiệu gạo ngon nhất thế giới ST25 vẫn được bảo toàn trong khi các loại gạo khác vẫn có cơ hội giải.

Trước đó, hồi đầu tháng 11, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phối hợp Hiệp hội Lương Thực Việt Nam (VFA) tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 2 năm 2020 tại TP.HCM

Giải nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm nay về chủng loại gạo thơm thuộc về giống gạo ST25 và giải nhì thuộc về gạo Thiên Vương của Công ty CP tập đoàn Lộc Trời và hai giải ba thuộc về giống OM8 của Viện Lúa ĐBSCL và giống Đài Thơm 8 của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam.

Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, giống gạo huyết rồng cũng là một lựa chọn tốt đáng để cân nhắc mang đi thi bởi đặc tính dẻo, thơm. 

"Mặc dù giống gạo này chưa thể vượt qua ST25 nhưng nó vẫn có cơ hội đạt các giải khác trên thị trường quốc tế và quan trọng giữ được danh hiệu cho ST25", ông Thủy nói.

Hệ thống phân phối gạo ST25 chưa được chú trọng

Mặc dù được đặc cách về nhiều mặt nhưng trên thực tế trong một năm gạo ST25 vẫn chưa được phổ biến ở cả thị trường trong nước và thế giới. 

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết sau khi gạo ST25 đạt giải nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông đặc cách cho giống gạo này để sản xuất, kinh doanh, phân phối diện rộng. 

"Việc tại sao gạo này không được phổ biến rộng rãi có thể do chiến lược của từng công ty. Phía cơ quan nhà nước không thể can thiệp vấn đề này", ông Cường nói. 

Ông Thủy nhận định: "Ở thị trường trong nước và cả thế giới, người dân ít được tiếp cận với gạo ST25 do hệ thống phân phối kém. Bên cạnh đó, số lượng cũng hạn chế nên chưa thể lan rộng loại gạo này".

Còn theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, vấn đề lớn nhất ở thị trường nội địa đó là tình trạng gạo ST25 giả bán tràn lan, gây ảnh hưởng đến danh tiếng loại gạo này. 

Do đó, ông Xuân cho rằng cần phổ biến giống này hơn nữa, tránh tình trạng gian thương sử dụng giống lúa có mùi vị gần giống với ST25 lợi dụng, gây ảnh hưởng đến  danh tiếng loại gạo này. 

H.Mĩ