|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gần một nửa doanh nghiệp Nhật Bản được Chính phủ hỗ trợ chọn đầu tư tại Việt Nam

15:36 | 21/12/2020
Chia sẻ
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản thuộc chương trình hỗ trợ đang cho thấy những mong muốn và thể hiện những bước đi đầu tư đầu tiên tại Việt Nam.

Chiều nay (21/12), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Nhật Bản đang có những bước đi đầu tiên ở Việt Nam

Gần một nửa doanh nghiệp Nhật Bản được Chính phủ hỗ trợ chọn đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 1.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Hoàng Giang).

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm rối loạn đáng kể chuỗi cung ứng của những công ty Nhật Bản vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, Chính phủ nước này đã thông qua chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài, khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài tới Đông Nam Á hoặc trở về Nhật Bản.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio tại hội nghị hôm nay cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản thuộc chương trình hỗ trợ đang cho thấy những mong muốn và thể hiện những bước đi đầu tư đầu tiên tại Việt Nam.

Cụ thể, ông Yamada Takio cho biết, có tới 37/81 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ của Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, trong khi đó con số ở Thái Lan là 19 doanh nghiệp, chỉ bằng một nửa của Việt Nam.

Những động thái của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng được thể hiện rõ thông qua việc Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cân nhắc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đang là đối tác của các DN Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam.

Đáng chú ý, vào ngày 18/10, Thủ tưởng Suga đã chọn Việt Nam làm điểm công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Thủ tướng Nhật Bản cũng đã gặp Thủ tướng Việt Nam đến 5 lần để bàn về các mối quan hệ giữa hai nước, phản ánh thực tế sự đánh giá cao mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản, cũng như vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

'Khả năng cao GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 3%'

Gần một nửa doanh nghiệp Nhật Bản được Chính phủ hỗ trợ chọn đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Hoàng Giang).

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2020 Việt Nam đang thực hiện đồng bộ chương trình mục tiêu kép và cho biết GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,5 – 3%. Bộ trưởng khẳng định khả năng cao Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng GDP 3%.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là mức tăng trưởng cao và là một trong số ít các quốc gia đạt được tăng trưởng dương trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường trên thế giới.

Về hoạt động đầu tư, Bộ trưởng cho biết dòng vốn FDI đang liên tục đổ về Việt Nam, đặc biệt là động thái của các doanh nghiệp Nhật Bản đang tiến hành nghiên cứu khảo sát tại Việt Nam.

Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11, đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 8,1 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,7 tỉ USD, chiếm 14 % tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng kí 2,4 tỉ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan…

Cắt giảm hơn 3.000 thủ tục, điều kiện kinh doanh

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong thời gian qua, Chính phủ đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh tế không tiếp xúc. Chính phủ đang hướng đến "một Chính phủ phi giấy tờ", giảm thiểu các thủ tục, điều kiện kinh doanh, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. 

Như vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Tính đến nay, đã có 3.893/6.191 đã cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh", Bộ trưởng thông tin. Các thủ tục, điều kiện kinh doanh được cho là rườm rà, gây cản trở cho các doanh nghiệp đều được các bộ, ngành rà soát, cắt giảm triệt để.

Bộ trưởng khẳng định, giai đoạn 2020 - 2025 sẽ phấn đầu cắt giảm ít nhất 20% quy định và cắt giảm tối thiếu 20% chi phí tuân thủ. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các Bộ tiếp tục rà soát các văn bản "làm sao để các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục dễ dàng nhất".

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.