|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Gần 415 nghìn tỉ đồng được bơm ra nền kinh tế trong nửa đầu năm 2019

15:24 | 13/06/2019
Chia sẻ
NHNN cho biết tính đến 10/6, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 của toàn hệ thống là 14%.
viber image 2019-06-13 , 14

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN (Ảnh: DB).

Tăng trưởng tín dụng đến 10/6 đạt 5,75%

Chiều nay (13/6), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo "Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019" với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN.

Trong họp báo, theo cho biết của ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN, tín dụng trong những tháng đầu năm được định hướng vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.

Tính đến 10/6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018. Tổng phương tiện thanh toán tăng 5,17%, thanh khoản hệ thống được các tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo thông suốt.

Theo thống kê của NHNN, vào thời điểm cuối năm 2018, số dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước khoảng 7,2 triệu tỉ đồng. Với mức tăng trưởng 5,75%, lượng vốn mà các TCTD đã bơm ra nền kinh tế trong gần nửa đầu năm khoảng 415 nghìn tỉ đồng.

NHNN đã giữ ổn định các mức lãi suất điều hành, đồng thời chỉ đạo các TCTD cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lí. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cơ bản tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6 - 9%/năm và 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Xử lí nợ xấu đạt kết quả khả quan

Nói về việc xử lí nợ xấu theo Nghị quyết 42, ông Nguyễn Trọng Du - Phó Chánh Thanh tra cho biết NHNN đã xây dựng kế hoạch xử lí nợ xấu của từng TCTD với sự giám sát sát sao của NHNN. 

NHNN đã tăng cường thanh tra giám sát nhất là tại những TCTD có tình hình nợ có vấn đề, hệ thống khuôn khổ pháp lí Nghị Quyết 42 cơ bản hoàn thành bao gồm sửa đổi luật và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, NHNN đã phê duyệt việc áp dụng sớm Basel II tại 8 ngân hàng cho thấy năng lực xử lí nợ xấu của các ngân hàng đang tăng lên.

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lí được 907.330 tỉ đồng nợ xấu. Riêng năm 2018 đã xử lí được 163.140 tỉ đồng nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu nội bảng cuối tháng 3 là 2,02%. Đáng chú ý, số lượng nợ xấu được xử lí theo Nghị quyết 42 (thi hành từ tháng 8/2017) đạt 227.860 tỉ đồng, trong đó nợ xấu nội bảng là 117.800 tỉ đồng.

Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm công tác cơ cấu lại các TCTD cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Kết quả cơ cấu lại các TCTD đã tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Cụ thể, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm, qui mô hệ thống tiếp tục tăng, cơ bản sở hữu chéo được xử lí,…

Giá trị thanh toán liên ngân hàng chạm mốc 15 tỉ USD/ngày

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết trong lĩnh vực thanh toán, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trong 5 tháng đầu năm, lượng thanh toán qua liên ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ hơn 23% về số lượng và 17,6% về giá trị. 

"Giá trị thanh toán qua hệ thống liên ngân hàng trung bình ngày trong 3 tháng đầu năm đã tăng lên khoảng 15 tỉ USD trong khi vào cuối năm 2018 chỉ ở mức 13 tỉ USD", ông nhấn mạnh.

Diệp Bình

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.