Gần 25.000 người thất nghiệp do ảnh hưởng sự cố Formosa
|
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, số lượng người thất nghiệp trong quý III/2016 ước tính là 1.160,5 nghìn người, tăng thêm 40.000 người so với quý II/2016, trong khi cùng kì năm ngoái mức tăng chỉ là 25.000 người.
Ảnh hưởng của Formosa là điều chắc chắn, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng giữa các tỉnh khác nhau, bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết.
Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh có 22.780 hộ gia đình tại 65 xã bị ảnh hưởng bởi sự cố này. Cả tỉnh có 24.449 người mất việc hoặc làm việc không ổn định.
Trong đó, trực tiếp trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản thất nghiệp 14.770 nghìn người. Ngành kinh doanh thủy sản tăng thêm 5.736 người mất việc, ngành dịch vụ hậu cần 1.015 người, ngành nuôi trồng thủy sản 823 người.
Lĩnh vực dịch vụ khách sạn nhà hàng mất 692 việc làm, còn trong lĩnh vực sản xuất muối là 428 người.
Để khắc phục tình trạng dư thừa lao động, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành biện pháp xuất khẩu lao động. Số liệu của Tổng cục Thống kê Hà Tĩnh tính đến ngày 30/8, tỉnh có 15.390 người xuất khẩu lao động. Dự kiến thời gian tới có 17.530 việc làm được giải quyết nhờ xuất khẩu lao động. Trong đó, một số lao động tham gia ngành sản xuất thủy sản ở thị trường Hàn Quốc.
Tuy vậy, biện pháp này cũng vẫn chỉ giải quyết được một phần lực lượng lao động thất nghiệp.
Các địa phương lân cận cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Tỉ lệ thất nghiệp của tỉnh Quảng Bình tăng 1,1%. Quảng Trị chịu ảnh hưởng nhẹ hơn một phần do lực lượng lao động đã chuyển hướng đi lao động xuất khẩu.
Thừa Thiên Huế có khoảng 7.000 hộ dân cư và 30.376 người dân bị ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng cá chết. Riêng Đà Nẵng ảnh hưởng không nhiều lắm.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định, trong số 40.000 người thất nghiệp tăng thêm này còn bao gồm cả lực lượng sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm sau khi ra trường.
Ngoài ra, sự cố môi trường biển khiến sản lượng thủy sản khai thác của các địa phương giảm mạnh.
Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng so với cùng kì năm trước của Hà Tĩnh giảm 3,66 nghìn tấn (giảm 14,4%); Quảng Bình giảm 6,0 nghìn tấn (giảm 13,4%). Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lần lượt giảm 4,8 nghìn tấn và 7,2 nghìn tấn, tương ứng giảm lần lượt 27,1% và 23,9%.