|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gần 1.320 tấn thịt nhiễm Salmonella trước khi nhập vào Việt Nam

17:39 | 02/10/2024
Chia sẻ
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cơ quan này đã phát hiện gần 1.320 tấn thịt nhiễm Salmonella trong số 6.679 lô hàng được xét nghiệm từ khi Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực ngày 16/5 đến 25/9.

Cụ thể, 55 lô hàng đã có kết quả dương tính với vi khuẩn này, chiếm gần 1% tổng số hàng được xét nghiệm. Nếu không phát hiện kịp thời, số lượng lớn thịt nhiễm khuẩn này có nguy cơ cao gây ra dịch bệnh và đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Việc kiểm dịch nhập khẩu đối với những lô âm tính thực hiện trong vòng 1-3 ngày. Chỉ có khoảng 1% số lô sản phẩm động vật dương tính, cần nuôi cấy phân lập để khẳng định, cần 5-6 ngày làm việc theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật nhập khẩu đã gây ra không ít tranh luận giữa Việt Nam và một số nước xuất khẩu thịt.

Đại diện nông nghiệp của các quốc gia như Mỹ, Australia, và một số nước châu Âu,... đã bày tỏ lo ngại về tác động của thông tư này, cho rằng các quy định nghiêm ngặt gây khó khăn trong quá trình nhập khẩu thịt vào Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định rằng việc ban hành Thông tư này hoàn toàn tuân thủ các quy định quốc tế và không ảnh hưởng đáng kể đến khối lượng nhập khẩu thịt.

Trong thực tế, từ khi Thông tư có hiệu lực, trong tháng đầu tiên thực hiện, các nước đã xuất khẩu vào Việt Nam tổng cộng 59.461 tấn thịt, không chênh lệch nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết điều này chứng tỏ rằng, dù có các quy định kiểm dịch mới, việc nhập khẩu thịt vào Việt Nam vẫn duy trì ổn định.

Cơ quan này đồng thời cho biết thêm, thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp phải những quy định khắt khe khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu không có Salmonella trong 25g thịt, trong khi Anh yêu cầu chương trình quốc gia giám sát Salmonella đối với các sản phẩm gà chế biến. Các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore cũng có những yêu cầu tương tự nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trước sự cạnh tranh gay gắt từ thịt nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội chăn nuôi trong nước đã có các kiến nghị lên Chính phủ nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi nội địa. Tập đoàn CJ và nhiều hiệp hội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét các biện pháp giảm thiểu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, đồng thời khuyến khích các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa và sức khỏe người tiêu dùng.

H.Mĩ