|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gần 130 tập đoàn lớn đang chuyển dịch và muốn đầu tư vào Việt Nam

21:41 | 29/09/2020
Chia sẻ
Tại cuộc tọa đàm giữa các Trưởng đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kì 2020 - 2023 với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) và các tập đoàn, tổng công ty thành viên, diễn ra ngày 29/9 tại Hàn Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, hiện có hơn 126 tập đoàn lớn đang chuyển dịch và muốn đầu tư vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế đất nước.

Đồng thời, đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Gần 130 tập đoàn lớn đang chuyển dịch và muốn đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 1.

Tọa đàm giữa các Trưởng đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kì 2020 - 2023 với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) và các tập đoàn, tổng công ty thành viên. (Ảnh: CMSC)

Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, trong thời gian qua, Ủy ban nhận được sự quan tâm thường xuyên của nhiều tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư, Tập đoàn lớn.

Các cuộc tiếp xúc và làm việc với các đối tác quốc tế đã gợi mở nhiều nội dung hợp tác đầu tư trong tương lai mà các các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Ủy ban hướng đến như công nghệ và hạ tầng, năng lượng, năng lượng thông minh, điện tái tạo, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, logistics…

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, bên cạnh nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ chính trị ngoại giao, một trong những nhiệm vụ quan trọng các trưởng cơ quan đại diện cần triển khai là công tác ngoại giao kinh tế; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến kinh tế đối ngoại với các đối tác nước ngoài.

Gần 130 tập đoàn lớn đang chuyển dịch và muốn đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. (Ảnh: CMSC)

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam là điểm sáng mà các quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đánh giá cao, thu hút các chuỗi chuyển dịch toàn cầu chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Qua rà soát từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiện có hơn 126 tập đoàn lớn đang chuyển dịch và muốn đầu tư vào Việt Nam.

Tại buổi Tọa đàm, đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty đã chia sẻ các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải đối mặt như những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng do dịch COVID-19, từ đó, thị trường bị thu hẹp, chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ.

Đặc biệt, thị trường chứng khoán thế giới trải qua nhiều biến động, kéo theo mức độ quan tâm giảm sút của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, những tác động gián tiếp từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài cũng tác động không nhỏ tới khối doanh nghiệp nhà nước.

Đại diện các doanh nghiệp cũng chỉ ra một số cơ chế chính sách còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Để tăng cường kết nối, tìm kiếm các cơ hội hợp tác thực chất, hiệu quả, các đại biểu đề xuất các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài tới tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư và các doanh nghiệp có vốn góp thông qua việc tham gia mua cổ phần tại các doanh nghiệp thực hiện công tác tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước.

Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài hỗ trợ cung cấp các thông tin, hỗ trợ xác minh thông tin về đối tác dự kiến thiết lập quan hệ hợp tác.

Cũng như tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, từ đó, tiếp cận các thị trường, đối tác mới. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đưa ra những đề xuất đặc thù trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, công nghệ và hạ tầng, vận tải.

Đúc kết buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Anh đề nghị các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại địa bàn có trung tâm tài chính sôi động hàng đầu thế giới như Anh, Hoa Kỳ, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)…. giúp đỡ phối hợp cùng với các đơn vị chức năng của Ủy ban tổ chức các hoạt động roadshow với sự tham gia của các tổ chức tài chính uy tín, công ty quản quĩ, quĩ đầu tư, nhà đầu tư tiềm năng.

Qua đó tuyên truyền chính sách đầu tư, chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ quảng bá hình ảnh Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng Công ty với các nhà đầu tư quốc tế, từng bước đưa việc hợp tác đi vào chiều sâu có hiệu quả thiết thực.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước chủ động liên hệ, tiếp xúc và có những đề xuất cụ thể trên từng nội dung hợp tác chính như mở rộng thị trường, kết nối tìm các đối tác nhằm thu hút hợp tác đầu tư, kinh doanh, tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ cao, xuất nhập khẩu, liên doanh liên kết.

Khải An