|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Foxconn bị điều tra về thuế và sử dụng đất tại Trung Quốc

12:13 | 23/10/2023
Chia sẻ
Theo Global Times, giới chức Trung Quốc đang thanh tra các nhà máy của Foxconn ở tỉnh Quảng Đông và Giang Tô, tiến hành các cuộc điều tra tại chỗ về sử dụng đất của công ty ở tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc.

Tòa nhà của công ty Foxconn ở Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc, ngày 9/1/2022. (Nguồn: Reuters).

Tờ Global Times ngày 22/10 đưa tin “gã khổng lồ” công nghệ Foxconn của Đài Loan, Trung Quốc, đang bị điều tra về thuế và sử dụng đất tại nhiều nhà máy của công ty này ở Trung Quốc.

Global Times cho biết giới chức Trung Quốc đang thanh tra các nhà máy của Foxconn ở tỉnh Quảng Đông và Giang Tô, cũng như tiến hành các cuộc điều tra tại chỗ về việc sử dụng đất của công ty này ở các tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc.

Tuy nhiên, Global Times không nói rõ cơ quan nào đang điều tra Foxconn, hay công ty này có thể đã có những sai phạm nào.

Đáp lại thông tin trên, Foxconn khẳng định: “Tuân thủ luật pháp là nguyên tắc cơ bản của chúng tôi trên toàn thế giới,” đồng thời cho biết sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, nhưng không tiết lộ thêm thông tin chi tiết.

Foxconn là một trong những nhà sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính cho sản phẩm điện thoại thông minh iPhone của Apple. Đây cũng là công ty có nhiều nhân viên nhất trong khu vực tư nhân của Trung Quốc, với hơn 1 triệu nhân viên trên cả nước.

Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh các công ty tại Trung Quốc đang trở thành mục tiêu của các đợt kiểm toán thuế và các hoạt động đánh giá mức độ tuân thủ quy định khác, giữa lúc các chính quyền địa phương tại nước này đang cố gắng củng cố tình hình tài chính.

Trung Quốc đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì vị thế dẫn đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khánh Ly

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.