FLC phân công lãnh đạo quản lí các ‘đơn vị thành viên’: Cái nhìn toàn cảnh về ‘hệ sinh thái FLC’
Một năm kém vui của cổ đông ‘họ FLC’ |
Mỗi người một việc
Theo quyết định này, bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch HĐQT Kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn chịu trách nhiệm trực tiếp quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh tại các đơn vị thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư phát triển & Quản lí khu công nghiệp FLC, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long và Công ty cổ phần FLC Travel.
Ông Lê Thành Vinh – Phó chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc trực tiếp quản lí Ban Đầu tư, Ban Thanh tra (theo phân mảng hoạt động được HĐQT giao) và Ban Quản lí các khách sạn.
Bà Đàm Ngọc Bích – Phó TGĐ Thường trực sẽ trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh tại các đơn vị thành viên gồm Công ty TNHH Cemaco Việt Nam; Công ty TNHH Vàng bạc Đá quí FLC.
Bà Trần Thị My Lan – Phó TGĐ trực tiếp quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh tại Công ty TNHH Thương mại và Nhân lực quốc tế FLC
Ông Trần Thế Anh – Phó TGĐ trực tiếp quản lí, điều hành Ban Vật tư và Đấu thầu.
Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC. Ảnh: Website FLC |
Ông Đặng Tất Thắng – Phó TGĐ trực tiếp quản lí, điều hành đơn vị thành viên là Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Bà Bùi Hải Huyền – Phó TGĐ trực tiếp quản lí, điều hành các đơn vị thành viên gồm Công ty TNHH MTV Quản lí khách sạn và khu nghỉ dưỡng FLC; Công ty TNHH Kinh doanh Dịch vụ Nghỉ dưỡng FLC, Công ty cổ phần sản xuất và XNK Nông sản FAM, Công ty cổ phần Nông dược HAI, Chi nhánh CTCP Tập đoàn FLC tại TP HCM.
Bà Võ Thị Thùy Dương – Phó TGĐ trực tiếp quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh tại đơn vị thành viên là Công ty TNHH MTV FLC Land.
Ông Lã Quý Hiển – Phó TGĐ trực tiếp quản lí và điều hành hoạt động kinh doanh tại các đơn vị thành viên là CTCP đầu tư và khoáng sản FLC AMD, CTCP quản lí quĩ hợp lực Việt Nam.
Ông Đỗ Như Tuấn – Phó TGĐ trực tiếp quản lí và điều hành hoạt động kinh doanh tại đơn vị thành viên là CTCP Xây dựng FLC Faros (theo phân mảng hoạt động được HĐQT giao)
Bà Nguyễn Bình Phương – Phó TGĐ trực tiếp quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh tại các đơn vị thành viên gồm: CTCP Xây dựng FLC Faros (theo phân mảng hoạt động được Ban TGĐ phân công)
Ông Đào Nam Phong – Phó TGĐ trực tiếp quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh tại đơn vị thành viên là CTCP Nước Giải khát FLC.
Bà Vũ Đặng Hải Yến – Trợ lý HĐQT (Hàm Phó TGĐ) trực tiếp quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh tại đơn vị thành viên là Công ty Luật TNHH SMiC.
Ông Lê Tuấn Hùng – Trợ lí HĐQT (Hàm Phó TGĐ) trực tiếp quản lí, điều hành Văn phòng HĐQT, Ban Kinh tế Xây dựng.
Tiêu chí “thành viên của Tập đoàn FLC” là gì?
Theo báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2018 của Tập đoàn FLC, tại thời điểm 30/6/2016 Tập đoàn có 19 công ty con gồm:
Danh sách công ty con của Tập đoàn FLC (tại ngày 30/6/2018) | |
1 | Công ty TNHH Một thành viên FLC Land |
2 | Công ty TNHH BOT Khai thác quản lí bãi biển FLC Sầm Sơn |
3 | Công ty TNHH Một thành viên Quản lí khách sạn và Khu nghỉ dưỡng FLC |
4 | Công ty TNHH Đầu tư và phát triển địa ốc Khánh Hòa FLC |
5 | Công ty TNHH FLC SamSon Golf & Resort |
6 | CTCP Địa ốc Star Hà Nội |
7 | CTCP FLC Quy Nhơn Golf & Resort |
8 | CTCP Đầu tư địa ốc Alaska |
9 | CTCP Nước giải khát FLC |
10 | Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long |
11 | Công ty TNHH Đầu tư và Quản lí tòa nhà Ion Complex |
12 | Công ty TNHH FLC Đồ Sơn Golf & Resort |
13 | Công ty TNHH Hai Thành viên FLC Lam Sơn |
14 | Công ty TNHH Hàng không Tre Việt |
15 | Công ty TNHH Kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng FLC |
16 | Công ty TNHH Vàng bạc Đá quí FLC |
17 | Công ty TNHH Đầu tư phát triển và quản lí khu công nghiệp FLC |
18 | Công ty TNHH Natuza Việt Nam |
19 | Công ty TNHH FLC Quảng Bình Beach & Golf Resort |
Từ cuối tháng 6/2018 đến nay, FLC không công bố thông tin thành lập mới công ty con nào.
Có thể thấy, trong các “đơn vị thành viên” được phân công cho các thành viên Ban Tổng Giám đốc FLC trực tiếp quản lí và điều hành kể trên, nhiều công ty không phải là công ty con của Tập đoàn FLC chẳng hạn như CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD (Mã: AMD), CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS), CTCP Nông dược H.A.I (Mã: HAI), …
Cụ thể, Tập đoàn FLC hiện chỉ sở hữu 1 triệu cổ phiếu AMD, tương đương tỉ lệ sở hữu 0,61%. Do vậy FLC AMD không phải là công ty con hay công ty liên kết của FLC.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng ban Kiểm soát của Tập đoàn FLC đồng thời Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của FLC AMD. Ông Lã Quý Hiển – Phó TGĐ FLC đồng thời là thành viên HĐQT FLC AMD.
Tương tự, FLC Faros và FLC không phải là công ty mẹ - con hay liên kết của nhau nhưng có chung Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất là ông Trịnh Văn Quyết. Ngoài ra, bà Nguyễn Bình Phương, ông Đỗ Như Tuấn và ông Lê Thành Vinh ngoài giữ chức Phó TGĐ FLC còn có chân trong HĐQT của FLC Faros. Ông Lê Tuấn Hùng Trợ lí HĐQT (Hàm Phó TGĐ) của FLC đồng thời là Phó TGĐ của FLC Faros.
Nhân sự của FLC Faros cũng tham gia vào các cuộc thi do Tập đoàn FLC tổ chức nhân dịp sinh nhật lần thứ 17 của Tập đoàn vào tháng 10 vừa qua.
Tập đoàn FLC chỉ đang sở hữu 12,65% vốn cổ phần của Nông dược HAI và do vậy không phải là công ty mẹ hay liên kết của HAI nhưng 4 Phó TGĐ của FLC là bà Bùi Hải Huyền, bà Nguyễn Bình Phương, ông Lê Thành Vinh, ông Trần Thế Anh cũng nằm trong ban lãnh đạo của HAI.
Với Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM, tại Đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 23/10/2017, cổ đông Tập đoàn FLC đã thông qua chủ trương sáp nhập Nông sản FAM vào FLC. Theo kế hoạch, FLC sẽ phát hành 149,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi lấy 160 triệu cổ phiếu của FAM (tỉ lệ 1:1,07).
Tuy nhiên từ sau đại hội bất thường đến nay, FLC chưa thông báo chính thức về việc phát hành thêm cổ phiếu để thực hiện kế hoạch sáp nhập Nông sản FAM. Số cổ phiếu FLC chỉ tăng lên do công ty phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Dẫu vậy, bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch FLC (từ tháng 7/2018 trở đi còn kiêm chức Tổng Giám đốc FLC) thì đã làm người đại diện theo pháp luật và Chủ tịch HĐQT của FAM từ ngày tháng 3/2018.
Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp được Tập đoàn FLC coi là “đơn vị thành viên” không chỉ bao gồm các công ty con và công ty liên kết theo quan hệ sở hữu cổ phần mà còn bao gồm cả những doanh nghiệp có liên quan thông qua “sợi dây nối” là các nhân sự chủ chốt.
Báo cáo tài chính của những doanh nghiệp này không được hợp nhất vào báo cáo tài chính của FLC nhưng vẫn được FLC coi là “người trong nhà” và thản nhiên phân công nhân sự làm nhiệm vụ quản lý, điều hành.
Theo thông tin từ website chính thức www.flc.vn, Tập đoàn FLC hiện có 10 lĩnh vực đầu tư chính gồm: bất động sản, vận tải hàng không, nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư tài chính, dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng, thể thao – sân golf, vận tải du thuyền, khai thác - chế biến khoáng sản, nước uống tinh khiết, và cuối cùng là giáo dục đào tạo và xuất khẩu lao động.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và nhiều lĩnh vực kinh doanh. Minh họa: Alex. |
Thiết nghĩ để thực hiện đầu tư vào cả 10 lĩnh vực kể trên, Tập đoàn FLC có thể còn nhiều 'đơn vị thành viên' chưa được tiết lộ trong các báo cáo chính thức.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/