|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một năm kém vui của cổ đông ‘họ FLC’

05:04 | 01/01/2019
Chia sẻ
Những cổ đông trung thành, nắm giữ cổ phiếu FLC từ đầu đến cuối năm 2018 chứng kiến tài khoản của mình bay hơi không ít. Cổ đông của những công ty có liên quan đến FLC cũng chịu chung số phận.

Tính đến hết phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC và cổ phiếu của các công ty có liên quan đều sụt giảm so với thời điểm đầu năm, ít thì hơn 13%, nhiều thì tới hơn 70%.

mot nam kem vui cua co dong ho flc
Diễn biến giá cổ phiếu 'họ FLC' trong năm 2018. Nguồn: VNDirect.

Các công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán và liên quan đến Tập đoàn FLC bao gồm:

CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS): Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch và Phó Chủ tịch của FLC Faros.

CTCP Chứng khoán Artex (Mã: ART): Chủ tịch Tập đoàn FLC (Trịnh Văn Quyết) sở hữu 3,26%, em gái ông Trịnh Văn Quyết là Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc FLC là Chủ tịch HĐQT Artex (bà Hương Trần Kiều Dung).

CTCP Nông dược H.A.I (Mã: HAI): Tập đoàn FLC sở hữu 12,65%

CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD (Mã: AMD): Trưởng ban Kiểm soát FLC là Tổng Giám đốc AMD (ông Nguyễn Tiến Dũng).

CTCP Đầu tư Liên doanh quốc tế KLF (Mã: KLF): Phó Tổng Giám đốc FLC là Chủ tịch KLF (bà Nguyễn Bình Phương).

Ông Trịnh Văn Quyết - người sở hữu 21,19% tại Tập đoàn FLC, 67,34% tại FLC Faros và 3,26% tại Chứng khoán Artex là người thiệt hại nặng nề nhất. Tài sản chứng khoán của ông Quyết giảm từ 58.800 tỉ đồng cuối năm 2017 xuống còn 15.600 tỉ đồng cuối năm 2018, ông Quyết cũng vì thế rớt từ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán xuống vị trí giàu thứ 6.

Tập đoàn FLC: Giấc mơ bay mang tên Bamboo Airways chưa thành hiện thực, kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn còn dở dang

Thống kê từ đầu năm đến phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, cổ phiếu FLC đã bay hơi 13,7% giá trị.

Lĩnh vực hoạt động được Tập đoàn FLC dành nhiều nguồn lực trong năm 2018 chính là hàng không, cụ thể hơn là đưa hãng hàng không Bamboo Airways cất cánh.

Tập đoàn đã kí kết các thỏa thuận mua 44 tàu bay của Airbus và Boeing, tổng trị giá khoảng 8,6 tỉ USD với sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Trong thời gian chờ bàn giao tàu bay mới, Bamboo Airways đã tích cực làm việc với các hãng cho thuê tàu bay như CDB Aviation (Trung Quốc), GECAS (Mỹ), … để thuê một số tàu cho hoạt động thời gian đầu.

mot nam kem vui cua co dong ho flc
Một tàu bay do Bamboo Airways thuê đang đậu tại sân bay Nội Bài.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không (KDVCHK) được FLC hoàn thiện bằng việc bổ sung giấy chứng nhận phong tỏa tài khoản 700 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) – tương ứng với vốn điều lệ tối thiểu của hãng hàng không vận hành 10 tàu bay ở phạm vi trong nước và quốc tế.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018 diễn ra vào tháng 6, Chủ tịch Tập đoàn FLC ông Trịnh Văn Quyết đã không dưới ba lần khẳng định chắc chắn Bamboo Airways sẽ cất cánh trong năm 2018.

Việc FLC thành lập hãng hàng không vấp phải nhiều ý kiến nghi ngờ về tiềm lực tài chính, đội ngũ nhân sự, … Tình hình cấp giấy phép bay không suôn sẻ như lãnh đạo Tập đoàn mong đợi. Kế hoạch mở bán vé vào ngày 2/9 và cất cánh vào 10/10 của hãng hàng không “con đẻ” của FLC phải bị hoãn lại.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải và Thủ tướng Chính phủ sau thời gian xem xét cẩn trọng, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, họp bàn đã quyết định cấp Giấy phép KDVCHK cho Bamboo Airways vào ngày 12/11.

Ít ngày sau, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết hãng dự định bay chuyến đầu tiên vào ngày 29/12 để có thể phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch cũng như Âm lịch. Giữa tháng 12, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Đặng Tất Thắng thậm chí còn dự kiến cất cánh sớm hai ngày, tức là vào 27/12.

Những tưởng kế hoạch cất cánh trong năm 2018 như vậy là đã chắc chắn thì một lần nữa, Bamboo Airways lại lỡ hẹn với những khách hàng tiềm năng vì vẫn còn một số giấy phép chưa được cấp.

Cũng tại đại hội cổ đông thường niên 2018, FLC công bố kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 100:42 trong quí III. Với giá mục tiêu 10.000 đồng/cp, FLC dự tính huy động 3.000 tỉ đồng đầu tư cho Dự án quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình.

Kế hoạch này cũng không thực hiện được, có lẽ một phần là do giá cổ phiếu FLC trong suốt năm 2018 đều thấp hơn mức 10.000 đồng/cp.

mot nam kem vui cua co dong ho flc
Đại hội cổ đông thường niên 2018 của FLC. Ảnh: Kiên Dương.

FLC Faros: Kết quả kinh doanh đi xuống, rút hết vốn khỏi một công ty con, kế hoạch tăng vốn không được thực hiện.

Trong năm 2018, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros mất 72,6% giá trị, kết phiên 28/12 ở 38.700 đồng/cp.

Trong ba quý đầu năm 2018, FLC Faros đã có tới hai quý (quý I và III) sụt giảm doanh thu so với cùng kì 2017, lợi nhuận sau thuế của hai quí này cũng giảm từ 41 đến 76%. Tính tổng 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của FLC Faros đạt 93 tỉ đồng, giảm 55,4%.

mot nam kem vui cua co dong ho flc
Kết quả kinh doanh hàng quý và giá cổ phiếu của FLC Faros. Kiên Dương tổng hợp

Trong năm 2018, FLC Faros cũng thoái hết 100 tỉ đồng - tương đương 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Bình Định.

Công ty này được thành lập ngày 27/3/2017, có trụ sở tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Chỉ một tháng sau, FLC Faros Bình Định được Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn tại Phân khu số 6, Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội, TP Quy Nhơn.

Việc FLC Faros thoái vốn khỏi công ty con này có thể có liên quan tới việc Tập đoàn FLC không được tham gia dự án BT Đường trục Khu kinh tế nối dài và do vậy không được nhận phần đất tại Khu Kinh tế Nhơn Hội theo điều khoản của hợp đồng BT.

Những ngày cuối năm, cổ đông của FLC Faros lại phải đón một tin không lấy gì làm vui vẻ khi công ty cho biết “do sơ suất, chưa sát sao trong quá trình thực hiện nghiệp vụ của nhân viên” nên công ty đã công bố thông tin chưa đầy đủ về quyết định ngày 29/6/2017 của Tổng Cục thuế về việc xử lí vi phạm về thuế. Theo đó, tổng số tiền thuế mà FLC Faros bị truy thu, phạt vi phạm hành chính thuế và tiền chậm nộp thuế là hơn 15,75 tỉ đồng.

Tương tự với FLC, đại hội cổ đông thường niên của FLC Faros tổ chức ngày 2/4/2018 cũng thông qua việc phương án phát hành thêm tối đa 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá chỉ 12.000 đồng/cp, bằng 9% thị giá của ngày diễn ra đại hội (135.000 đồng/cp).

Tuy vậy năm 2018 FLC Faros không thực hiện phát hành cổ phiếu với giá "hời" như kế hoạch, giá cổ phiếu ROS thì ngày càng xuống thấp, mức giá 12.000 đồng/cp ngày càng tỏ ra kém hấp dẫn.

ART xuống đáy lịch sử, HAI bị kiểm soát đặc biệt

Ngày 28/9 năm nay, cổ phiếu ART chuyển từ UPCoM lên niêm yết tại HNX với giá tham chiếu 8.100 đồng/cp. ART tăng kịch trần 30% trong phiên đầu tiên ở HNX nhưng sau đó tăng ít giảm nhiều, kết phiên 28/12 ở 2.700 đồng/cp – mức thấp nhất trong lịch sử cổ phiếu này ở cả UPCoM và HNX.

Nếu tính từ mức giá cao nhất năm, đến phiên giao dịch 28/12 cổ phiếu ART đã mất tới hơn 83,4% giá trị và nằm trong top 10 cổ phiếu có mức sụt giảm từ đỉnh mạnh nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018.

Chính các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ của Chứng khoán Artex cũng tỏ ra kém mặn mà với cổ phiếu ART. Trong đợt bán ưu đãi cổ phần tỉ lệ 10:35 với mức giá 10.000 đồng/cp năm 2018, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết – cổ đông lớn cá nhân của Artex - bán toàn bộ 2,63 triệu quyền mua của mà ông được phân bổ. Sau khi Artex tăng vốn, tỉ lệ sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết bị pha loãng và ông không còn là cổ đông lớn của Artex.

Chủ tịch HĐQT Artex Nguyễn Thanh Bình (người khi đó đang là thành viên HĐQT Tập đoàn FLC) bán toàn bộ 180.000 quyền mua của mình, thời gian giao dịch từ 9 đến 15/8.

Trong đợt Artex bán cổ phiếu ưu đãi tỉ lệ 10:13, giá 10.000 đồng/cp vào tháng 11/2017, ông Nguyễn Thanh Bình cũng bán toàn bộ 180.000 quyền mua mà ông được phân bổ.

Cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược H.A.I cũng có một năm bê bết khi giảm hơn 67% kể từ đầu năm. Về kết quả kinh doanh, Nông dược H.A.I lỗ ròng hai quí I và II, quí III công ty báo lãi chưa đầy 5 tỉ đồng trên vốn điều lệ hơn 1.800 tỉ đồng.

Ngày 9/11, cổ đông của HAI đón thêm tin xấu khi Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) ra quyết định đưa cổ phiếu HAI vào diện kiểm soát đặc biệt và chỉ được giao dịch vào phiên chiều kể từ ngày 16/11.

Nguyên nhân là công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo ngày 2/10, và HOSE nhận thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Sau khi có thông tin về việc sắp bị kiểm soát đặc biệt, cổ phiếu HAI đã có hai phiên giảm sàn liên tiếp. Hai ngày đầu tiên bị kiểm soát đặc biệt, HAI có thêm hai phiên giảm sàn liên tiếp nữa.

Đến ngày 21/12, Nông dược H.A.I mới nộp đầy đủ các báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2018 được soát xét và kèm giải trình và công văn giải trình chậm nộp báo cáo và châm công bố thông tin. Đồng thời, Nông dược H.A.I cũng đề nghị được đưa cổ phiếu ra khỏi diện kiểm soát vì công ty đã “hoàn toàn khắc phục các vi phạm dẫn đến việc cổ phiếu HAI bị đưa vào diện kiểm soát”.

Sau thông tin này, HAI có ba phiên tăng trần liên tiếp, tuy nhiên vẫn còn cách rất xa mức giá đầu năm.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Kiên Dương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.