|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu Artex năm 2018: Lên sàn HNX, xuống đáy lịch sử

17:57 | 13/12/2018
Chia sẻ
2018 là một năm nhiều thăng trầm với cổ phiếu ART cũng như công ty chứng khoán Artex, từ việc giá cổ phiếu trồi sụt thất thường đến những xáo trộn trong đội ngũ lãnh đạo công ty.
co phieu artex nam 2018 len san hnx xuong day lich su Tổng Giám đốc FLC Hương Trần Kiều Dung làm chủ tịch Chứng khoán Artex

Cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán Artex giao dịch lần đầu tiên trên hệ thống UPCoM ngày 2/8/2017 với giá tham chiếu 5.000 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh), tức chỉ bằng một nửa mệnh giá. Cổ phiếu này sau đó có 9 phiên tăng kịch trần liên tiếp lên 20.800 đồng/cp. Trong tháng 8 đó, ART còn có thêm 6 phiên tăng trần nữa.

Chỉ sau một tháng, cổ phiếu ART đã tăng giá tới 442%, lên 27.100 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh) hay 17.610 đồng/cp (giá sau điều chỉnh).

Ngày 28/9 năm nay, cổ phiếu ART chuyển từ UPCoM lên niêm yết tại HNX với giá tham chiếu 8.100 đồng/cp. ART tăng kịch trần 30% trong phiên đầu tiên ở HNX nhưng sau đó giảm nhiều hơn tăng, kết phiên 13/12 ở 3.800 đồng/cp – mức thấp nhất trong lịch sử cổ phiếu này ở cả UPCoM và HNX.

co phieu artex nam 2018 len san hnx xuong day lich su
Diễn biến giá cổ phiếu ART từ khi giao dịch trên UPCoM ngày 2/8/2017 đến nay. Nguồn: VNDirect.

Kết quả kinh doanh gần đây đi xuống

Quí III vừa qua, Artex đạt doanh thu hoạt động gần 14,9 tỉ đồng, giảm 45% so với quý III năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 45% còn hơn 8 tỉ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Artex đạt 30,7 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế và 40,3 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế - thực hiện 33,5% kế hoạch cả năm.

Theo giải trình của Artex, lợi nhuận ròng đi xuống trong quí III vì doanh thu môi giới giảm mạnh do “tình hình thị trường chung”, lãi ghi nhận từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm “cũng do tình hình thị trường chung”.

Trong quí II, lợi nhuận ròng của chứng khoán Artex cũng giảm 30% so với cùng kì.

co phieu artex nam 2018 len san hnx xuong day lich su
Nguồn: Báo cáo tài chính Artex

Cổ đông nội bộ và cổ đông lớn cũng "xa lánh" cổ phiếu ART

Sau khi Chứng khoán Artex đưa cổ phiếu ART lên giao dịch tại UPCoM, hàng loạt cổ đông nội bộ và cổ đông lớn đăng kí bán hết sở hữu của mình tại ART.

Chẳng hạn trong thời gian 14-28/8/2017, giai đoạn cổ phiếu ART có nhiều phiên tăng trần, cổ đông lớn là CTCP Sông Đà 9 (Mã: SD9) đã bán toàn bộ hơn 2 triệu cổ phiếu ART, tương đương tỉ lệ sơ hữu 14,82%.

Thời gian 6-8/9/2017, ông Nguyễn Văn Thanh - Ủy viên HĐQT của Chứng khoán Artex đã bán 1 triệu cổ phiếu ART, chỉ còn giữ lại 10.000 cp.

Cũng trong tháng 9, ông Lê Thành Vinh – khi đó là Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn FLC cũng bán toàn bộ hơn 1,33 triệu cổ phiếu ART (tương đương tỉ lệ sở hữu 9,88%) và không còn là cổ đông lớn tại Artex từ ngày 5/9.

Trong đợt Artex bán cổ phiếu ưu đãi tỉ lệ 10:13, giá 10.000 đồng/cp vào tháng 11/2017, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT của Artex đồng thời là thành viên HĐQT Tập đoàn FLC đăng kí bán toàn bộ 180.000 quyền mua mà ông được phân bổ.

Đi ngược với xu thế bán ra này, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC đã mua vào 2 triệu cổ phiếu ART, nâng sở hữu của ông tại đây lên 2,63 triệu cp, tương ứng với tỉ lệ 19,48%.

Tuy nhiên sau đó vào tháng 11/2017, cũng chính ông Quyết đã bán đi toàn bộ 2,63 triệu quyền mua cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp dù giá cổ phiếu ART vào thời gian này đang ở trên mệnh giá.

Bước sang năm 2018, Artex tiếp tục có đợt bán ưu đãi cổ phần tỉ lệ 10:35, với mức giá 10.000 đồng/cp. Và cũng như đợt chào bán năm trước, Chủ tịch HĐQT Artex Nguyễn Thanh Bình tiếp tục bán toàn bộ 180.000 quyền mua mà ông được phân bổ, thời gian giao dịch từ 9 đến 15/8.

Ngày 13/9, tức không lâu trước khi ART lên sàn HNX, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng bán hết 2,63 triệu quyền mua của mình. Sau khi Artex tăng vốn, tỉ lệ sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết bị pha loãng và ông không còn là cổ đông lớn của Artex.

Hiện nay, chứng khoán Artex không có cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ.

Nhân sự xáo trộn

Nửa sau năm 2018 cũng là khoảng thời gian mà Artex “thay máu” nhân sự. Cụ thể, từ ngày 1/8 bà Nguyễn Quỳnh Anh được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc Artex.

Ngày 30/9, bà Trịnh Thị Thúy Nga – em gái ông Trịnh Văn Quyết được bổ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc. Sau đó bà Nga cũng được bầu làm thành viên HĐQT của Artex.

Cùng vào HĐQT Artex với bà Nga còn có ông Lê Bá Nguyên – thành viên HĐQT Tập đoàn FLC và bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn FLC.

Sau đó bà Hương Trần Kiều Dung tiếp tục được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Artex thay ông Nguyễn Thanh Bình.

co phieu artex nam 2018 len san hnx xuong day lich su
Bà Hương Trần Kiều Dung.

Ngoài ra, Ban Kiểm soát của Artex cũng có sự xáo trộn. Theo đó bà Hà Sâm Định từ nhiệm thành viên BKS từ ngày 30/11. Trước đó, bà Nguyễn Thị Duyên - Kế toán trưởng CTCP Thương Mại và Dịch Vụ Trà Cổ (một công ty do Tập đoàn FLC tham gia góp vốn) được bầu làm thành viên BKS của Artex.

Ngày 14/9, Chứng khoán Artex còn bổ nhiệm bà Quách Thị Xuân Thu (sinh năm 1979) làm Kế toán trưởng thay cho bà Trần Thị Thu Hà.

Có thể thấy, các chức vụ trọng yếu như Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, kết toán trưởng, thành viên HĐQT, BKS của chứng khoán Artex đều có sự thay đổi trong nửa năm qua.

Tăng vốn “nóng” và tham vọng chứng khoán phái sinh: Cơ hội cho Artex?

Tháng 9 vừa qua, trước khi lên sàn HNX, chứng khoán Artex phát hành 6,21 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017 và chào bán gần 108,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:3,5) cho cổ đông hiện hữu. Tổng khối lượng phát hành và chào bán là gần 114,9 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị theo mệnh giá xấp xỉ 1.150 tỷ đồng. Nếu chào bán hết số cổ phiếu này, vốn điều lệ của Artex có thể đạt 1.460 tỷ đồng, cao gấp 4,7 lần mức 310 tỉ đồng trước đó.

Thực tế, Artex phân phối được gần 59,7 triệu cổ phiếu ART cho 59 cổ đông hiện hữu trong tổng số 108,7 triệu cổ phiếu đăng ký chào bán, chiếm tỷ lệ 54,9%. Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành này khoảng 597 tỷ đồng. Cùng với việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của Artex tăng lên thành 969 tỉ đồng.

Theo tài liệu đã được đại hội cổ đông năm 2018 thông qua, mục đích đợt tăng vốn này của Artex là đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ và kinh doanh trên thị trường chứng khoán phái sinh, đồng thời bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ.

Trả lời báo Đầu tư Chứng khoán tháng 5 năm nay, Tổng Giám đốc chứng khoán Artex khi đó ông Lê Tiến Đông cho biết: “Tăng vốn chỉ là bước khởi đầu cho kế hoạch tham vọng của chúng tôi trong những năm tới. Ban lãnh đạo công ty đã từng bước nghiên cứu, thăm dò kỹ lưỡng trước khi chính thức chọn năm 2018 là năm đột phá, cải tổ hoạt động và tiến quân vào những lĩnh vực mới […] Tất cả đều đã có sự chuẩn bị và phải thực hiện trong năm 2018.”

Nay đã gần hết năm 2018, kế hoạch tăng vốn của Artex không thành công mĩ mãn như mong đợi, công ty cũng chưa bước chân vào lĩnh vực mới như chứng khoán phái sinh và kết quả kinh doanh và kết quả kinh doanh thì đang suy giảm. Chứng khoán Artex có lẽ sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong năm 2019 để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Xem thêm

Kiên Dương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.