|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

F.I.T và chuyện 3 nhà đầu tư hào phóng

13:56 | 16/01/2017
Chia sẻ
Ngày 9/1/2017, Công ty CP Tập đoàn F.I.T (mã chứng khoán FIT) chính thức hoàn thành đợt chào bán 31,18 triệu CP phát hành riêng lẻ. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của F.I.T tăng từ mức 2.235,5 tỷ đồng lên 2.547,3 tỷ đồng.

Tăng vốn là một hoạt động hết sức bình thường đối với một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thương vụ tăng vốn của F.I.T có ít nhiều khó hiểu. Trong khi mức giá giao dịch của cổ phiếu FIT trên thị trường chưa đến 4.500 đồng/CP thì mức giá Công ty chào bán cho cổ đông chiến lược lên tới 11.500 đồng/CP, thu ròng gần 359 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí phát hành.

fit va chuyen 3 nha dau tu hao phong
31,18 triệu cổ phiếu FIT đã được 3 nhà đầu tư gom vào với mức giá 11.500 đồng/CP, trong khi thị giá chưa đến 4.500 đồng/CP.

Nhà đầu tư hào phóng

3 nhà đầu tư bỏ tiền gom toàn bộ 31,18 triệu CP do F.I.T phát hành là Công ty CP Thương mại và Phát triển nông nghiệp VP (mua 10,6 triệu CP), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nghệ An (10,58 triệu CP) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông sản Hưng Yên (10 triệu CP).

Việc nhà đầu tư chiến lược mua cổ phiếu với giá cao hơn thị giá thực ra không phải là điều quá hiếm hoi. Tuy nhiên, thông thường trong các thương vụ như vậy, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược sẽ tương đối lớn, đủ để tác động ở mức độ nào đó lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ba tổ chức nói trên mặc dù rót hàng trăm tỷ đồng vào FIT, nhưng vẫn là cổ đông nhỏ lẻ, không ai gom đủ cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn (5%) chứ chưa nói đến cổ phần chi phối.

Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong khoảng thời gian 1 năm.

Như vậy, so với việc mua cổ phiếu trên sàn, nhà đầu tư chiến lược của FIT vừa phải mua cổ phiếu giá đắt hơn 2,5 lần, vừa bị hạn chế chuyển nhượng, trong khi tỷ lệ sở hữu vẫn không đủ để có một tiếng nói nhất định về mặt chiến lược kinh doanh. Về mặt logic, khó có thể lý giải “động cơ” của 3 tổ chức này trong thương vụ phát hành tăng vốn của F.I.T.

Theo nghị quyết HĐQT của F.I.T, số tiền thu được từ việc phát hành thêm sẽ được Công ty sử dụng để đầu tư vào F.I.T Land, một công ty con sắp được thành lập của F.I.T (99 tỷ đồng), Công ty CP Dược phẩm Cửu Long (120 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động 92,8 tỷ đồng.

Nếu như F.I.T Land là một chủ thể hoàn toàn mới mẻ, chưa rõ triển vọng phát triển, thì Dược Cửu Long đã là tên tuổi đáng lưu ý trong ngành dược. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DCL của Dược Cửu Long trong 1 năm trở lại đây đã có mức tăng trưởng ấn tượng, từ mức giá xung quanh 9.000 đồng/CP lên mức gần 26.000 đồng/CP. Thay vì đầu tư vào cổ phiếu DCL trên sàn chứng khoán, 3 nhà đầu tư nói trên lại quyết định đầu tư (giá đắt) vào cổ phiếu FIT.

Nhìn theo cách nào thì quyết định đầu tư của 3 doanh nghiệp nói trên cũng hết sức khó hiểu.

Quan hệ kỳ lạ

Theo thông tin Báo Đấu thầu tìm hiểu, trong 3 doanh nghiệp nói trên, có 2 doanh nghiệp thành lập cách nhau đúng 1 tuần và cùng tên người đại diện. Cụ thể như sau: Công ty CP Thương mại và Phát triển nông nghiệp VP thành lập ngày 30/5/2016, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông sản Hưng Yên thành lập trước đó 1 tuần, ngày 23/5/2016. Người đại diện của 2 doanh nghiệp này đều là ông Trần Văn Đạt.

Như vậy, không ngoại trừ trường hợp một chủ thể (là ông Trần Văn Đạt) đứng tên thành lập 2 công ty và cả 2 công ty này ngay lập tức rót tiền tổng cộng gần 237 tỷ đồng vào FIT trong thương vụ tương đối “thiệt thòi” nói trên.

Cho đến khi hoàn tất chuyển nhượng cổ phiếu, 2 công ty nói trên có thời gian hoạt động chưa đầy 8 tháng.

Tốc độ tăng vốn của F.I.T cũng đáng lưu ý. Tính từ cuối năm 2014 đến nay, trong vòng hơn 2 năm, vốn điều lệ của Công ty đã tăng từ mức 500 tỷ đồng lên 2.235,5 tỷ đồng. Việc tăng vốn cùng với mức giá lao dốc trên thị trường đặt các cổ đông nói chung, 3 nhà đầu tư chiến lược nói riêng trước những rủi ro đáng kể.

Đan Nguyên