Fed sẽ không nói điều thị trường muốn nghe
Những nhà quan sát Fed cho rằng ngân hàng trung ương của Mỹ sẽ không nói về câu chuyện của năm 2017 cho dù các quan chức thuộc tổ chức này có thể đồng ý về một triển vọng kinh tế xán lạn hơn. Số liệu kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây đang được cải thiện và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục (4,6%). Theo các công cụ theo dõi, thị trường dự báo khả năng Fed nâng lãi suất trong cuộc họp lần này lên tới gần 100%.
Ngoài ra, Chủ tịch Fed – bà Janet Yellen – cho biết sẽ công bố dự báo kinh tế và lãi suất sau cuộc họp cuối cùng của năm 2016.
Nhiều khả năng, Fed sẽ không đề cập tới các kế hoạch cắt giảm lãi suất và tăng chi tiêu chính phủ của tân Tổng thống Donald Trump bởi vấn đề này chưa thực sự rõ ràng.
Nhà quản lý danh mục Jim Caron của Morgan Stanley Investment Management cho rằng Fed sẽ không dấn sâu vào những chính sách của ông Trump bởi họ còn quá nhiều điều chưa biết. Ngân hàng trung ương của Mỹ sẽ chỉ quan tâm tới vấn đề này khi có thêm cơ sở dữ liệu trong tay.
Trước khi Fed công bố kết quả cuộc họp vào tối ngày 14/12 (sáng ngày 15/12 theo giờ Việt Nam), lãi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng lên 1,17% - mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Tuy nhiên, lãi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động nhẹ ở mức 2,47%.
Diễn biến lãi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm trong 1 tháng qua (Nguồn: CNBC)
Chiến lược gia lãi suất Aaron Kohli của BMO cho rằng thị trường đang “cầm đèn chạy trước ô tô”. Việc lãi suất không tăng đột biến chứng tỏ thị trường đã sẵn sàng cho việc Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, với sự thận trọng vốn có, Fed có thể khiến tất cả bất ngờ vào thời điểm vị tân Tổng thống Mỹ chưa nhậm chức.
Theo biểu đồ “dot plot” dự báo lãi suất của Fed, năm 2017 sẽ chứng khiến 2 lần tăng lãi suất.
Ông Caron cho rằng Fed có thể để nền kinh tế số 1 thế giới nóng thêm một chút trước khi tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất ở tốc độ rất chậm như hiện nay. Điều này sẽ được chứng minh thông qua biểu đồ “dot plot” hoặc các tuyên bố của bà Yellen.
Cuộc khảo sát của CNBC cho thấy đa số đang kỳ vọng chính sách kinh tế của ông Trump. 80% số người được hỏi tin rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ được cải thiện và 68% tin rằng số lượng việc làm sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đi kèm với đó sẽ là vấn đề về lạm phát (93%) và thâm hụt ngân sách (94%).
Những người tham gia cuộc khảo sát này cho rằng thị trường, kể từ sau Ngày Bầu cử 8/11, đang tăng mạnh hơn so với dự kiến.
Cuộc họp tháng 12 của Fed diễn ra khi chỉ số Dow Jones tiến sát ngưỡng 20.000 điểm. Chỉ số này tăng 114 điểm lên mức 19.911 điểm trong phiên giao dịch ngày 13/12, đánh dấu phiên phá đỉnh thứ 7 liên tiếp và là lần thứ 16 đạt mức cao nhất lịch sử kể từ sau cuộc bầu cử. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng có nhiều phiên lập kỷ lục.
Diễn biến chỉ số Dow Jones trong 1 tháng qua (Nguồn: CNBC)
Giáo sư Jeremy Siegel tại Wharton nhận định chỉ số S&P 500 đã và đang có đợt tăng mạnh kể từ sau chiến thắng của ông Trump trước bà Hillary Clinton. Nếu mọi chuyện suôn sẻ vào năm sau, chỉ số này có thể tăng 10-15%. Nhưng trước đó nước Mỹ cần phải ra khỏi cuộc suy thoái lợi nhuận, cắt giảm thuế quan và đơn giản hóa các quy định, trong đó 2 biện pháp sau cùng là tối quan trọng. Đối với thị trường, các biện pháp kích thích tài khóa có thể mang tới những tín hiệu tích cực. Ông Siegel cho rằng vấn đề của thị trường việc làm sẽ quan trọng hơn vấn đề nợ trong ngắn hạn.