|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed dưới áp lực chính trị

16:55 | 18/10/2018
Chia sẻ
Chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh vào cuối tuần trước. Nhưng điều làm nhiều người sững sờ không phải là mức độ sụt giảm mà là phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông đổ lỗi gây ra thảm họa chứng khoán cho Cục Dự trữ liên bang (Fed) bằng những từ ngữ nặng nề như Fed đã bị “điên”, bị “rồ”, “phạm sai lầm”, rằng Fed đang nằm ngoài vòng kiểm soát... Đó là bởi Fed vừa nâng lãi suất nhằm hạ nhiệt nền kinh tế đang phát triển nhanh.
fed duoi ap luc chinh tri Ông Trump: 'FED là mối đe dọa lớn nhất của tôi'
fed duoi ap luc chinh tri 5 vấn đề đe dọa kinh tế toàn cầu được bàn ở hội nghị IMF, WB
fed duoi ap luc chinh tri
Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

Cũng như ngân hàng trung ương các nước, Fed có chức năng điều tiết nền kinh tế để nó không phát triển quá nóng hay quá lạnh. Nhiệm vụ của nó là tìm điểm cân bằng giữa ổn định giá cả (tức kiểm soát lạm phát) và giữ thất nghiệp ở mức thấp nhất (tức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế). Khi Fed hạ lãi suất, tiền thay vì nằm trong ngân hàng sẽ được bung ra làm ăn, kinh tế sẽ tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm mới. Nhưng đến một mức nào đó, nền kinh tế phát triển nóng sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát, giá cả tăng cao. Lúc đó Fed sẽ nâng lãi suất nhằm giảm nhiệt nền kinh tế.

Về phía các chính trị gia, trong trường hợp này là Tổng thống D.Trump, họ luôn luôn muốn nền kinh tế phát triển mạnh, thất nghiệp giảm, công ăn việc làm dồi dào, cử tri hài lòng. Tháng 11 sắp tới nước Mỹ sẽ vào mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ (bầu lại toàn bộ 435 hạ nghị sĩ, 35 trên 100 thượng nghị sĩ và 39 thống đốc các bang) nhưng giới quan sát nhận định kết quả bầu cử sẽ gián tiếp là thước đo cho sự tín nhiệm của cử tri đối với ông Trump.

Như thế việc Fed nâng lãi suất, làm cho việc làm ăn khó hơn, chứng khoán giảm - chẳng khác nào một gáo nước lạnh đổ vào nỗ lực ca ngợi thành tựu kinh tế bấy lâu của ông Trump. Trước đây ông Trump nhấn mạnh các điều ông ta làm như cắt giảm thuế, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính nhờ đó thất nghiệp đang ở mức thấp kỷ lục, chứng khoán tăng liên tục...

Thật ra nền kinh tế Mỹ đang phát triển tốt, chứng khoán giảm chỉ là sự dịch chuyển của thị trường từ cổ phiếu sang trái phiếu, một sự dịch chuyển bình thường khi lãi suất tăng cộng với nỗi lo dài hạn về nền kinh tế toàn cầu.

Mặc cho những lời lẽ thẳng tuột của ông Trump, Fed xem ra vẫn bình chân như vại. Có vẻ như phát biểu của ông Trump là sự bực dọc cá nhân hơn là chỉ dấu cho thấy một sự can thiệp vào chính sách. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, do chính ông Trump chọn để bổ nhiệm, từng tuyên bố quan điểm của ông Trump không tác động lên quyết định của Fed. “Chúng tôi không cân nhắc các yếu tố chính trị hay các thứ tương tự”-Powell nói tại một hội nghị vào tháng 9. Thị trường dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 12 sắp tới.

Tuy nhiên có một rủi ro nằm ở tâm lý xã hội. Các định chế kỹ trị như Fed được cách ly khỏi tác động của chính trị nhờ niềm tin của công chúng. Nếu công chúng bị thuyết phục sao đó để niềm tin này lung lay thì giới kỹ trị khó lòng chống chọi áp lực từ phía chính trị. Đó là nhận định của Peter Conti Brown, giáo sư Đại học Pennsylvania và là tác giả cuốn sách về lịch sử chính trị của Fed được New York Times trích dẫn.

Ông Trump từng phê phán Fed mạnh mẽ khi nơi này nâng lãi suất vào tháng 7 rồi tháng 9. Nhưng Larry Kudlow, Cố vấn kinh tế của ông cho rằng ông Trump chỉ góp ý với tư cách từng là doanh nhân thành đạt, là nhà đầu tư có kinh nghiệm chứ không có ý bắt Fed thay đổi chính sách.

Xem thêm

Nguyễn Phan