|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Fed đưa ra giải pháp tháo gỡ các mối đe dọa dài hạn đối với kinh tế Mỹ

08:13 | 17/11/2019
Chia sẻ
Ông Powell cho rằng Mỹ đang tụt lại so với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác và khẳng định Fed thực sự có thể làm được nhiều điều đối với vấn đề này.
Fed đưa ra giải pháp tháo gỡ các mối đe dọa dài hạn đối với kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN

Trong phiên điều trần ngày 13/11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell kêu gọi các nhà lập pháp nhắm mục tiêu tới các mối đe dọa dài hạn mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt trong khi đất nước vẫn trong giai đoạn thịnh vượng.

Ông Powell kêu gọi Quốc hội đưa ra các giải pháp để đưa thêm nhiều công nhân vào thị trường lao động Mỹ và tăng năng suất trước khi lực lượng lao động Mỹ chịu áp lực toàn cầu.

Trong bài phát biểu của mình, ông Powell nhấn mạnh với Ủy ban Kinh tế chung (JEC) rằng triển vọng kinh tế Mỹ tích cực, tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua, trong khi lạm phát ở mức thấp và dưới sự kiểm soát cũng như niềm tin của người tiêu dùng cao.

Tuy nhiên, ông Powell nói thêm rằng Quốc hội phải hành động để tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ lên 62,3%, đồng thời tăng năng suất.

Ông Powell cho rằng Mỹ đang tụt lại so với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác và khẳng định Fed thực sự có thể làm được nhiều điều đối với vấn đề này.

Đối với các chính sách tài khóa hỗ trợ lực lượng lao động, ông Pow Powell trích dẫn các biện pháp nhằm mở rộng đào tạo kỹ năng, hạn chế lạm dụng thuốc gây nghiện và mở rộng các khu vực thu nhập thấp.

Đây là những bình luận đầu tiên của ông Powell kể từ khi Fed cắt giảm lãi suất vào tháng Mười vừa qua, và những bình luận này được đưa ra khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu gặp khó khăn.

Chủ tịch Fed đã kêu gọi Quốc hội hành động để giải quyết tình trạng nợ công và thâm hụt ngân sách tăng, nhằm đảm bảo đà tăng trưởng liên tục của nền kinh tế quốc gia.

Nợ công của Mỹ hiện đang "tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế" nên nếu không hành động thì tiền đóng thuế của các thế hệ tương lai sẽ được sử dụng để trả lãi thay vì đầu tư cho giáo dục, an ninh và y tế.

Thâm hụt ngân sách Mỹ, mà ông Powell gọi là "không thể chấp nhận được", đã gần đạt đến ngưỡng 1.000 tỷ USD trong tài khóa 2019, dù nền kinh tế đang tăng trưởng và lãi suất rất thấp.

Trong khi đó, nợ công đã vượt mức 23.000 tỷ USD và còn tiếp tục tăng. Tiền trả lãi vay cũng đã tăng 10%, lên tới 572,8 tỷ USD, trong tài khóa tính đến ngày 30/9.

Chủ tịch Fed nhận định kinh tế nước này có thể tiếp tục đà tăng trưởng, nhưng sẽ phải đối mặt với những rủi ro như sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như các xung đột thương mại.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, bất ổn địa chính trị lan rộng và căng thẳng thương mại gia tăng đã gây sức ép lớn lên các doanh nghiệp, nhà máy và nhà xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường khi đối mặt với áp lực toàn cầu với tỷ lệ thất nghiệp 3,6%, trong khi lạm phát dưới mục tiêu mà Fed đề ra.

Fed đã cắt giảm lãi suất trong ba cuộc họp liên tiếp trong năm nay, sau bốn lần tăng trong năm 2018, khi nỗi lo suy thoái gia tăng trong suốt cả năm. Ông Powell cho rằng Fed có thể sẽ giữ lãi suất ổn định trừ khi tình trạng nền kinh tế xấu đi hoặc rủi ro mới xuất hiện.

Ông nhắc lại thông điệp đã đưa ra sau khi Fed cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay hồi cuối tháng Chín rằng nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa là không cần thiết, trừ phi có các diễn biến mới liên quan đến thương mại hay các vấn đề khác có thể làm thay đổi triển vọng kinh tế.

Theo số liệu chính thức, kinh tế Mỹ quý III/2019 tăng trưởng chậm lại mức 1,9%, so với mức 2,5% trong quý II/2019, một phần vì cuộc đình công kéo dài 40 ngày ở tập đoàn sản xuất ô tô General Motors và các cuộc tranh cãi thương mại làm giảm đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng tới xuất khẩu và sản xuất.

Tuy nhiên, giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng Mười tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong bảy tháng. Cùng với những lo ngại về nguy cơ suy thoái giảm bớt, số liệu này đã cho Fed thêm cơ sở để không cắt giảm thêm lãi suất trong tương lai gần.

Nếu Fed tạm dừng cắt giảm lãi suất, điều này có thể làm Tổng thống Trump thất vọng khi ông đã cố gắng gây sức ép với ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất xuống mức 0% hoặc thấp hơn. 

Tổng thống Mỹ đã yêu cầu ông Powell hành động để đáp ứng với mức lãi suất âm được thấy ở các quốc gia đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh rằng Fed đặt nước Mỹ vào thế bất lợi trong cạnh tranh.

Tổng thống Trump đã gây áp lực với Fed trong hơn một năm qua, nhằm cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế Mỹ và giúp ông giành được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Lãi suất giảm làm giá đồng USD đi xuống, khiến hàng hóa của Mỹ tương đối rẻ hơn ở thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Powell đã từ chối bình luận về các cuộc tấn công hoặc chính sách thương mại của Tổng thống Trump trước Quốc hội vào thứ Tư, nhưng Chủ tịch Fed nhấn mạnh rằng lãi suất âm sẽ không có ý nghĩa khi nền kinh tế Mỹ đang mở rộng.

Ông Powell nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ đang ở một vị trí mạnh mẽ với sự tăng trưởng và lĩnh vực tiêu dùng mạnh mẽ cũng như lạm phát thấp hơn một chút so với mục tiêu, do đó tỷ lệ lãi suất rất thấp và thậm chí âm được nhìn thấy trên khắp thế giới sẽ không phù hợp với nước Mỹ.

Dù có rất ít các nhà lập pháp ủng hộ Tổng thống Trump thúc đẩy lãi suất âm hoặc rất thấp, song các thành viên của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng đều bày tỏ lo ngại về những thiếu sót trong chính sách tiền tệ của Fed.

Lần gần nhất Fed cắt giảm lãi suất xuống mức mục tiêu 1,5-1,75% đã khiến ngân hàng trung ương bị giới hạn biên độ trong việc cắt giảm thêm nếu nền kinh tế trở nên tồi tệ. 

Và trong khi Mỹ tự hào với những con số kinh tế hàng đầu mạnh mẽ, nhiều khu vực của đất nước này vẫn đối mặt với sự bất bình đẳng thu nhập mà không thấy bất kỳ sự bùng nổ việc làm sau suy thoái.

Tại phiên điều trần này, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang New York Carolyn Maloney cho rằng nền kinh tế Mỹ nói chung có thể rất mạnh khi nằm hoàn toàn trong các phân khúc của cuộc đấu tranh dân số.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Utah Mike Lee thêm rằng lạm phát thấp liên tục có thể cho phép Fed duy trì lãi suất thấp hơn và có thể thúc đẩy tăng thêm việc làm. 

Về phần mình, ông Powell nói rằng nền kinh tế Mỹ có khả năng duy trì mức thất nghiệp thấp hơn, với tỷ lệ đã thấp hơn giả định 5% trước đó của Fed.

Lời khai điều trần của ông Powell diễn ra vào một ngày đầy sự kiện ở Washington, khi đảng Dân chủ Hạ viện mở phiên điều trần luận tội công khai đầu tiên tại Quốc hội. 

Tuy nhiên, bất chấp phiên điều trần của ông Powell và các phiên điều trần công khai nhằm luận tội Tổng thống Trump, thị trường chứng khoán ngày 13/11 chưa xuất hiện các dấu hiệu bị tác động đáng kể.

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 0,3% lên 27.783,59 điểm, trong khi chỉ số của S&P 500 khép phiên ở mức cao 3.091,96 điểm, và chỉ số chứng khoán Nasdaq giảm dưới 0,1%.

Bùi Đại Thắng