|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed có thể hạ lãi suất từ quý II/2024, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì?

08:11 | 13/12/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc Fed dừng tăng lãi suất và có thể đảo chiều hạ lãi suất vào quý II/2024 sẽ giảm tác động tiêu cực đến tỷ giá. Đây là dư địa để VND có thể giữ giá trị ổn định hơn so với USD.

Kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất, hiện đang ở ngưỡng cao nhất của 22 năm, trong cuộc họp chính sách ngày 13/12 đang có xu hướng tăng lên.Theo khảo sát của CME Group, thị trường hiện đang nghiêng về kịch bản Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong các cuộc họp tới và cắt giảm lãi suất vào quý II/2024. 

Trước đó, theo đánh giá của các chuyên gia của Chứng khoán VNDirect, lạm phát của Mỹ đã tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 10/2023. Chỉ số PCE lõi (chỉ số giá chi tiêu cá nhân không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,2% trong tháng 10 và 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

"Cả hai con số này đều khớp với dự báo của thị trường trước đó và giảm so với mức tăng của tháng 9 tương ứng là 0,3% và 3,7%. Các chỉ số đo lường lạm phát như CPI và PCE tiếp tục hạ nhiệt trong những tháng gần đây càng củng cố cho kỳ vọng của thị trường rằng lãi suất điều hành đang ở mức đỉnh của chu kỳ này", báo cáo từ VNDirect cho biết.

Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố vào cuối ngày hôm qua ghi nhận lạm phát tháng 11 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, theo như thị trường dự kiến. CPI chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại tăng so với tháng liền trước, lạm phát lõi vẫn tiếp tục tăng cho thấy áp lực vẫn tồn tại.

Nhà kinh tế trưởng của FWDBond, ông Chris Rupkey, nhận định rằng báo cáo CPI sẽ không làm thay đổi nhiều kỳ vọng về lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed. Các nhà đầu tư đang đổ dồn về bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell để tìm kiếm dấu hiệu khi nào chính sách đảo chiều.

Nếu Fed thực sự hạ lãi suất vào quý II/2024, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì?

 Các đồng tiền có xu hướng hồi phục so với USD. (Nguồn: VNDirect).

Theo các chuyên gia, việc Fed dừng tăng lãi suất và có thể đảo chiều hạ lãi suất vào quý II/2024 sẽ giảm tác động tiêu cực đến tỷ giá. Hiện tỷ giá đã tăng hơn 3% so với hồi đầu năm.

Sau khi tăng cao hồi tháng 9, tháng 10, tỷ giá đã quay đầu giảm. Trong tháng 11, tỷ giá trung tâm giảm 0,7% so với tháng trước, tỷ giá ngân hàng thương mại giảm 1,3% so với tháng trước, tỷ giá trên thị trường tự do đi ngang.

Giá USD trên thị trường thế giới cũng suy giảm mạnh trong tháng 11 sau khi Fed công bố không nâng lãi suất và giới tài chính đang nghiêng hơn về kịch bản Fed sẽ không nâng thêm lãi suất và thậm chí còn có khả năng giảm lãi suất trong đầu 2024.

Cùng với dự báo Fed dừng tăng lãi suất, thặng dư thương mại kỷ lục hơn 24 tỷ USD và giải ngân FDI cao là các yếu tố được kỳ vọng sẽ giúp tỷ giá trong nước giảm trong thời gian tới.

Các chuyên gia từ VNDirect kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt trong giai đoạn cuối năm 2023 nhờ thặng dư tài khoản vãng lai trở lại mức cao và kiều hối tích cực.

Tỷ giá năm 2024 có thể hạ nhiệt

Trong năm 2024, nhiều dự báo cho rằng tỷ giá sẽ hạ nhiệt khi được hỗ trợ bởi rất nhiều yếu tố trong đó có việc có thể Fed hạ lãi suất.

“Tỷ giá USD/VND đã giảm xuống mức thấp hơn sau khi đạt mức dự báo 23.500 trong quý IV/2023 của chúng tôi vào tháng 10, sau khi Fed phát đi tín hiệu có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất”, báo cáo của UOB cho biết.

Mặc dù VND có thể đi theo xu hướng phục hồi nhưng mức tăng có thể bị hạn chế do sự phục hồi kinh tế khiêm tốn vào năm 2024. Trong năm 2024, UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 24.000 đồng trong quý I, 23.800 đồng trong quý II, 23.600 đồng trong quý III và 23.500 đồng trong quý IV.

Chuyên gia Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Hạ An).

Đánh giá về những yếu tố ảnh hưởng tới điều hành tỷ giá năm sau, chuyên gia Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng có những yếu tố thuận lợi trong việc duy trì tỷ giá, cũng có những yếu tố gây bất lợi.

Ổn định đến từ việc Fed hạ lãi suất dần trong năm 2024, đây là dư địa để VND có thể giữ giá trị ổn định hơn so với USD. Ngoài ra, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2024 có thể trở nên mạnh mẽ hơn, giúp nguồn lực dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên.

Bên cạnh đó cũng có một số yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới tỷ giá. Trong năm 2024, thặng dư thương mại của Việt Nam có thể giảm xuống do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất.

Cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư kỷ lục trong 11 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ GSO).

Sức cầu trong nước của người dân tăng lên cũng có thể khiến nhập khẩu hàng xa xỉ gia tăng. Khi đó, cán cân thương mại có thể thâm hụt trong một vài tháng và tổng thể chắc chắn không thặng dư lớn như năm nay.

Ngoài ra, các vấn đề về rủi ro tín dụng, rủi ro lạm phát ở trong nước, nếu không kiểm soát tốt có thể khiến tiền đồng mất giá.

Chuyên gia Phạm Thế Anh cũng cho rằng, cần chấp nhận việc VND sẽ dao động với biên độ mạnh hơn. Trước kia Việt Nam theo đuổi chính sách tỷ giá ổn định nhưng hiện nay kinh tế Việt Nam hiện đã mở hơn so với thế giới vì vậy điều tiết tỷ giá ở một mức cố định gần như là không thể.

"Trong một thế giới bất định hơn thì chúng ta không thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra vì vậy người dân và doanh nghiệp cần có những biện pháp phòng ngừa rủi ro, làm quen hơn với biến động tỷ giá", ông Thế Anh lưu ý.

Hạ An