|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Faros tăng vốn siêu tốc nhờ chuyển tiền qua lại

07:00 | 30/08/2016
Chia sẻ
Theo kiểm toán thì toàn bộ số tiền 426,5 tỷ đồng trong đợt tăng vốn quý I/2016 do 3 cổ đông đóng góp. Tuy nhiên, tương ứng mỗi lệnh chuyển tiền đến thì có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016.

Ngày 24/8, CTCP Xây dựng Faros được Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) chấp thuận đăng ký niêm yết với mã chứng khoán là ROS. Theo đó, Faros sẽ chào sàn vào ngày 1/9 với giá tham chiếu là 10.500 đồng/cp.

Từ mức vốn 225 tỷ đồng vào năm 2014, Faros đã tăng vọt lên 4.300 tỷ đồng chỉ trong vòng 2 năm, trong đó có 4 lần phát hành cho cổ đông hiện hữu và 1 lần phát hành riêng lẻ trong quý I/2016.

Đáng chú ý là theo ý kiến của kiểm toán thì toàn bộ số tiền 426,5 tỷ đồng trong đợt tăng vốn quý I/2016 do 3 cổ đông đóng góp. Tuy nhiên, tương ứng mỗi lệnh chuyển tiền đến thì có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016.

faros tang von sieu toc nho chuyen tien qua lai
Quá trình tăng vốn điều lệ của Faros

Đồng thời, kiểm toán nhấn mạnh là tính đến cuối tháng 6/2016, Faros ủy thác đầu tư cho các cá nhân trên 1.417 tỷ đồng tỷ đồng, ủy thác cho tổ chức là 2.149 tỷ đồng. Như vậy, Faros, một doanh nghiệp chuyên về xây dựng đã mang 3.566 tỷ đồng, chiếm 77% vốn chủ sở hữu đi ủy thác đầu tư tài chính.

Nửa đầu năm 2016, lãi thu về từ các hợp đồng ủy thác được hạch toán vào doanh thu tài chính gần 93 tỷ đồng. Số tiền lãi theo điều khoản hợp đồng ủy thác đầu tư sẽ được thanh toán khi hoàn tất hợp đồng.

Đồng thời, tính đến 30/6/2016, Faros có 87 tỷ đồng phải thu từ lãi ủy thác đầu tư ngắn hạn và 198 tỷ đồng dài hạn.

faros tang von sieu toc nho chuyen tien qua lai
Chi tiết lãi ủy thác đầu tư của Faros tính đến 30/6/2016

Ngoài ra, tổng đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn của Faros là 4.209 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản. Cơ cấu tài sản ngắn hạn có 934 tỷ đồng phải thu, tăng hơn 60% đầu năm.

Trong cơ cấu nguồn vốn thì nợ phải trả là 3.349 tỷ đồng, gấp 2,4 lần đầu năm. Trong đó, chiếm nhiều nhất là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn 1.792 tỷ đồng, riêng Tập đoàn FLC là 1.500 tỷ đồng.

Song song đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng vọt từ 166 tỷ lên 1.053 tỷ đồng, và FLC chiếm hơn 800 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ ngắn hạn của Faros có liên quan trực tiếp đến FLC lên đến 2.300 tỷ đồng, chiếm 68% tổng nợ phải trả.

Như đã đề cập trong bài viết trước, cổ đông lớn nhất của Faros là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC nắm 41,79%; kế đến là Công ty TNHH MTV FLC Land nắm 5,23% vốn.

Trong khi đó, các thành viên trong HĐQT, Ban kiểm soát Faros lại nắm rất ít hoặc không nắm cổ phiếu Faros, và đều là những cá nhân nằm trong Ban lãnh đạo của FLC và KLF.

Faros hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và được coi là nhà thầu “ruột” của FLC. Hầu hết các dự án của Faros đều có chủ đầu tư là FLC hoặc các Công ty liên quan đến FLC và KLF.

Tính đến 30/6/2016, vốn điều lệ của Faros là 4.300 tỷ đồng, vượt mặt những ông lớn xây dựng có tuổi đời lâu năm như Coteccons (CTD) vốn 1.360 hay Hòa Bình (HBC) 400 tỷ đồng.

Sau khi vốn tăng lên hàng nghìn tỷ đồng thì kết quả kinh doanh của Faros cũng tăng vọt. Doanh thu thuần nửa đầu năm 2016 của Faros đạt 1.072 tỷ đồng, gấp 4.3 lần cùng kỳ năm trước, thực hiện 33% kế hoạch năm. Doanh thu tài chính 107 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.

Kết quả lãi trước thuế 191 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ và thực hiện 40% kế hoạch năm. Lãi sau thuế 153 ty, gấp 4,3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên cũng cần phải nói là phần lớn lợi nhuận đến từ lợi nhuận tài chính do thu lời từ đầu tư ủy thác.

Tiến Vũ