FAO: Các nước đang phải chi nhiều hơn cho nhập khẩu lương thực, thực phẩm
Các nước đang phải chi nhiều hơn cho nhập khẩu lương thực, thực phẩm |
FAO cho rằng, chi phí vận chuyển cộng với khối lượng nhập ngày một lớn sẽ khiến chi phí nhập khẩu toàn cầu tăng lên trên 1,3 ngàn tỷ USD trong năm 2017, tăng 10,6% so với năm 2016.
Chi phí nhập khẩu của các nước nghèo nhất đang có xu hướng tăng do họ phải nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm thịt, đường, sữa, và dầu thực phẩm.
Chi phí nhập khẩu tăng với hầu hết các loại hàng hóa lương thực, thực phẩm, trừ cá. Bởi, sản lượng cá nuôi ở các nước đang phát triển tăng nhanh giúp đáp ứng nhu cầu nội địa.
Hơn nữa, trong tháng giá các loại lương thực, thực phẩm đã tăng trở lại, ghi nhận lần tăng sau ba tháng. Giá lương thực cao hơn 2,2% so với tháng 4/2017 và 10% so với tháng 5/2016. Trừ đường, các loại hàng hóa còn lại trong Chỉ số giá lương thực FAO (FAO Food Price Index) như ngũ cốc, dầu thực vật, sữa và thịt, đều tăng giá.
Nguồn cung dồi dào
Báo cáo về Triển vọng lương thực, thực phẩm của FAO cho thấy nguồn cung của hầu hết loại hàng hóa lương thực, thực phẩm đều rất dồi dào trên phạm vi toàn cầu, trừ một vài quốc gia và khu vực riêng biệt.
Giá lúa mì trên thế giới được giữ ở mức ổn định, nhất là trong khoảng thời kỳ đầu của niên vụ, trong khi sản lượng các loại hạt thô lên gần mức kỷ lục sẽ khiến cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu lớn trở nên khốc liệt hơn.
Nguồn cung gạo cũng sẽ dồi dào bất chấp việc một số quốc gia xuất khẩu bán ra để giảm lượng gạo dự trữ trong kho.
Sản xuất dầu thực phẩm cũng được dự báo tăng vọt lên kỷ lục trong năm nay, chủ yếu do lợi nhuận từ dầu đậu tương tăng, theo đó lượng hàng trên toàn cầu luôn dồi dào. Những chỉ số ban đầu cho thấy nguồn cung và giá dầu thực phẩm trong năm 2018 cũng sẽ tăng so với năm nay.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết sản lượng thịt trên thế giới có thể giảm năm thứ 3 liên tiếp trong năm nay chủ yếu do Trung Quốc giảm sản xuất và tăng nhập khẩu từ Mỹ và Brazil.
Trong khi đó, sản lượng sữa toàn cầu được dự báo sẽ tăng 1,4% trong năm nay do nhu cầu tăng mạnh ở Ấn Độ.
Ngoài ra, FAO cũng dự báo sản xuất lúa mì toàn cầu năm nay giảm 2,2% nhưng sản lượng bắp ngô toàn cầu lại tăng 1,4% và sản lượng lúa gạo tăng 0,7%.
Năm nay, FAO dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu giảm nhẹ 0,5% xuống 2,594 tỷ tấn. Nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu cũng ước giảm về 2,584 tỷ tấn.
Do nhu cầu có thể giảm nên tồn kho ngũ cốc toàn cầu được ước tăng lên 703 triệu tấn vào cuối niên vụ 2018, sau khi lên kỷ lục trong năm nay.
Dự báo này của FAO dựa trên một số biến động tại Trung Quốc, khi quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ giảm tồn kho các loại hạt thô và tăng cường nhập lúa mì và gạo. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể là nguồn cung các loại lương thực, thực phẩm trên thế giới vẫn luôn dồi dào, FAO nhận định.