|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

ExxonMobil, Chevron hưởng lợi lớn nhờ giá dầu tăng cao

20:44 | 30/04/2022
Chia sẻ
ExxonMobil và Chevron ngày 29/4 đã báo cáo lợi nhuận tăng vọt trong quý I/2022 mặc dù sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên giảm. Cả hai “gã khổng lồ” dầu khí đều dự kiến tăng quy mô chương trình mua lại cổ phiếu thêm hàng tỷ USD trong năm nay.

Ảnh: rttnews.com.

Sau một năm 2020 "đáng quên: vì các lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng toàn cầu, các công ty dầu mỏ đã có lãi trở lại vào năm 2021 và tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng vọt trong năm nay.

Báo cáo mới nhất cho thấy lợi nhuận trong quý đầu tiên của ExxonMobil tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước lên 5,5 tỷ USD. Doanh thu vào cùng giai đoạn cũng tăng 52,4% lên 87,7 tỷ USD.

Giá năng lượng tăng mạnh đã giúp ExxonMobil bù đắp cho khoản chi phí một lần trị giá 3,4 tỷ USD liên quan đến việc rút khỏi mỏ dầu ngoài khơi Sakhalin, sau khi Nga tiến hành hoạt động quân sự tại Ukraine (U-crai-na).

Đối với Chevron, doanh thu của công ty trong quý I/2022 tăng 70% lên 54,4 tỷ USD, qua đó đưa lợi nhuận đạt 6,3 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với mức của cùng kỳ năm 2021.

Sau khi công bố kết quả kinh doanh, bà Kathy Mikells, Giám đốc tài chính của ExxonMobil cho biết công ty sẽ tiếp tục đầu tư một cách thận trọng và quyết định tăng chi cho chương trình mua lại cổ phiếu thêm 20 tỷ USD.

Ông Mike Wirth, Giám đốc điều hành của Chevron cũng cho biết công ty đã xác định dành 10 tỷ USD mua lại cổ phiếu mỗi năm, sau khi từng nhắm mục tiêu trước đó là từ 5 - 10 tỷ USD mỗi năm.

Cả hai “đại gia” dầu mỏ đều sẽ tăng đầu tư vào sản xuất trong năm 2022, nhưng loại trừ các khoản đầu tư bổ sung.

Một phần của việc hạn chế chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động khoan giếng dầu mới là do các công ty tăng cường đầu tư vào hydro, thu giữ và lưu trữ carbon cùng các dự án carbon thấp khác trong bối cảnh chịu nhiều áp lực từ các nhà đầu tư môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Trong khi đó, mặc dù cả hai công ty đã công bố kế hoạch nâng sản lượng vào cuối thập kỷ này, sản lượng của họ đều giảm trong quý đầu tiên của năm 2022.

Sản lượng dầu và khí đốt của ExxonMobil đã giảm 3% so với cùng kỳ giai đoạn 2021. Công ty viện dẫn thời tiết lạnh giá nghiêm trọng làm giảm sản lượng ở Canada (Ca-na-đa), cũng như hoạt động bảo trì theo lịch trình ở Qatar (Ca-ta) và Guyana (Guy-a-na).

Về phần Chevron, trong khi cho hay sản lượng dầu và khí đốt của công ty tại Mỹ tăng 10% nhờ một đợt gia tăng sản xuất ở Permian Basin (Texas), tổng sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên của họ vẫn giảm 2% so với mức của cùng kỳ năm ngoái.

Các yếu tố dẫn đến sự sụt giảm sản lượng của Chevron bao gồm sản lượng thấp hơn ở Thái Lan và ảnh hưởng của việc mất sản lượng từ một dự án ở Indonesia (In-đô-nê-xi-a), nơi hợp đồng của họ hết hạn.

Báo cáo của Chevron và ExxonMobil được đưa ra khi giá dầu nhìn chung vẫn duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng, sau khi tăng vọt lên khoảng 130 USD/thùng vào đầu tháng Ba – thời điểm căng thẳng Nga và Ukraine trở thành xung đột quân sự. Giá khí đốt tự nhiên cũng tăng cao khi có nhiều lo ngại về tính ổn định của nguồn cung từ Nga sang châu Âu.

Ông Wirth cho biết có rất ít dấu hiệu cho thấy tình trạng thắt chặt trên thị trường dầu mỏ có thể được giải tỏa ngay lập tức. Nhu cầu năng lượng vẫn gia tăng khi nhiều nền kinh tế giảm bớt các hạn chế phòng dịch COVID-19, trong khi một số nhà sản xuất dầu lớn đang cắt giảm đầu tư vào năng lượng hóa thạch để chuyển hướng sang năng lượng carbon thấp.

H.Thủy (Theo Reuters)

Nhóm ngành hút mạnh dòng tiền thời gian tới qua lăng kính các nhà quản lý quỹ
Theo các chuyên gia, một số nhóm ngành được kỳ vọng thu hút dòng tiền đầu tư thời gian tới kể đến tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, đầu tư công…