|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

EVN: Khung chi phí 500 triệu đồng không đủ thuê tư vấn định giá DN cổ phần hóa

07:45 | 09/05/2017
Chia sẻ
Nếu tính riêng gói thầu tư vấn định giá đã có khả năng vượt xa chi phí tối đa 500 triệu đồng dành cho cổ phần hóa, EVN đề nghị Bộ Tài chính xem xét mức chi phí cổ phần hóa phù hợp với quy mô doanh nghiệp. 
evn khung chi phi 500 trieu dong khong du thue tu van dinh gia dn co phan hoa
Khung chi phí 500 triệu đồng không đủ thuê tư vấn định giá DN cổ phần hóa. Ảnh: VnEconomy.

Cho rằng mức chi phí tối đa 500 triệu dành cho cổ phần hóa đơn vị mình chưa hợp lý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ trước thềm cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp vào ngày 17/5 tới đây.

Cụ thể, theo quy định của Bộ Tài chính, tổng mức chi phí cổ phần hóa tối đa được xác định theo giá trị doanh nghiệp trên sổ sách kế toán là không quá 500 triệu đồng đối với tất cả các doanh nghiệp có giá trị trên 100 tỷ đồng.

Dù là doanh nghiệp có giá trị tổng tài sản lớn khoảng 100.000 tỷ đồng như các Tổng công ty phát điện thuộc EVN, chi phí tối đa cho cổ phần hóa ở mức 500 triệu đồng. EVN cho biết: "Nếu tính riêng gói thầu tư vấn định giá đã có khả năng vượt xa chi phi tối đa 500 triệu đồng". Chưa kể, số lượng các đơn vị trực thuộc EVN lớn, với khoảng 10 đơn vị. Vì vậy, trong kiến nghị của mình, EVN đề nghị Bộ Tài chính xem xét mức chi phí cổ phần hóa phù hợp với quy mô doanh nghiệp.

Ngoài ra, EVN cũng đề nghị xem xét phân cấp cho Hội đồng thành viên các Tập đoàn kinh tế Nhà nước được phép lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa, quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và báo cáo các Bộ ngành liên quan.

Hiện nay, việc lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa, quyết định công bố giá trị doanh nghiệp đang do Bộ trưởng Bộ quản lý ngành kinh doanh chính của Tập đoàn kinh tế quyết định. Sau đó, Bộ trưởng sẽ trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa. Theo EVN, điều này khiến công tác cổ phần hóa kéo dài vì phải trình lên cấp có thẩm quyền, cụ thể là cấp Bộ.

Về các mốc thời gian trong quá trình cổ phần hóa doanh nhiệp 100% vốn nhà nước, EVN cũng cho rằng đang gây khó khăn trong việc thực hiện. Đặc biệt, các doanh nghiệp đặc thù, có quy mô lớn như các Tổng công ty phát điện EVN rất khó đảm bảo quy định "Thời điểm công bố GTDN cách thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không quá 6 tháng đối với trường hợp theo phương pháp tài sản" và "việc bán cổ phần lần đầu đối với doanh nghiệp cách thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không quá 18 tháng".

Tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào cuối tháng 4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các tổng công ty phát điện, cố gắng thực hiện được trong quý III/2017. Hiện việc cổ phần hóa tại Tập đoàn điện lực Việt Nam đang chậm trễ.

Trả lời báo chí về phương án cổ phần hóa ngành điện, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EV cho biết sẽ cổ phần hóa 3 Tổng công ty Phát điện (GENCO) trong giai đoạn 2016 - 2018. Trong đó hoàn thành cổ phần hóa GENCO 3 trong năm 2017 và GENCO 1, 2 trong năm 2018.

Nam Anh