EVFTA sẽ loại các ngân hàng yếu khỏi cuộc chơi
Tại một buổi chia sẻ thông tin với báo chí gần đây, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, đưa ra nhận định việc EVFTA đi vào hiệu lực không chỉ có những tác động tích cực đến toàn nền kinh tế của Việt Nam nói chung, mà còn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính nói riêng.
EVFTA sẽ mở đường cho dòng vốn từ châu Âu đổ vào lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam trong những năm tới đây. Dòng vốn này sẽ tạo ra cạnh tranh trong lĩnh vực này và người hưởng lợi cuối cùng sẽ là khách hàng sử dụng dịch vụ và sản phẩm tại các tổ chức tín dụng.
Một cuộc chiến có thể sẽ được châm ngòi giữa các ngân hàng nội và ngoại để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Chỉ có ngân hàng tốt nhất mới có thể tồn tại và tăng trưởng trong tương lai, còn những ngân hàng yếu kém sẽ bị loại bỏ.
Khi nhóm khách hàng thế hệ mới quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của dịch vụ chăm sóc khách hàng, các chuẩn mực về đạo đức hay năng lực phát triển bền vững trong tương lai, họ sẽ có xu hướng chọn lựa những ngân hàng phù hợp với các tiêu chí này để mở tài khoản, bất kể đó là một ngân hàng ngoại hay ngân hàng nội.
Cùng với đó, một sân chơi tài chính-ngân hàng rộng hơn với sự tham gia của các tổ chức tín dụng châu Âu sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với các ngân hàng nội về tính tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro, tín dụng và tài sản, cùng tính minh bạch.
Một số ngân hàng nội, theo ông Nirukt Sapru, đang ở một vị thế rất thuận lợi để hưởng lợi từ hiệp định thương mại này để phát triển lớn mạnh hơn.
“Tóm lại, tôi nghĩ hiệp định này có tác động rất tích cực đối với hệ thống ngân hàng Việt. Bất cứ thứ gì tạo ra cạnh tranh và có lợi cho khách hàng đều có lợi đối với hoạt động của lĩnh vực đó.
Lấy ví dụ khoảng 30 năm trước, mỗi nước hầu như chỉ có một hãng hàng không, còn hiện tại, với nhiều đối thủ hơn, chúng ta thấy sự cạnh tranh, thấy dịch vụ được cải thiện, không chỉ khách hàng có lợi mà còn là cả nền kinh tế và chính những hãng hàng không đó”, vị tổng giám đốc nhấn mạnh.
Đối với khả năng đầu tư thêm vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới, ông Nirukt Sapru nhấn mạnh việc “Standard Chartered rất quan tâm tới việc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nếu cơ hội phù hợp đến, từ hợp tác trong các lĩnh vực như fintech, ngân hàng đến tài chính tiêu dùng”.
Tuy nhiên ưu tiên hàng đầu của ngân hàng ngoại này vẫn là tập trung vào tăng trưởng hữu cơ.
Cũng theo ông Nirukt Sapru, EVFTA không chỉ tạo cơ hội cho hàng Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu, hiệp định này có thể còn mở ra cơ hội cho nhiều ngân hàng nội thâm nhập vào thị trường này, để phục vụ nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp Việt khi họ lấn sân sang các nước trong khu vực EU. Điều kiện tiên quyết là những ngân hàng này phải có đủ năng lực.
Trong khi đó, trong vòng 5 năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét việc nâng giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam cho các tổ chức tín dụng tại châu Âu
Hai ngân hàng thương mại này sẽ không bao gồm 4 ngân hàng có vốn nhà nước là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.
“Đây là tin tốt cho các ngân hàng Việt Nam, vốn đang thiếu hụt một nguồn vốn lớn để đáp ứng ngưỡng 8% tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu theo quy định của Basel II”, chuyên gia kinh tế Yun Liu của Ngân hàng HSBC nhận xét.