|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVFTA là thời cơ để nông, lâm, thủy sản Việt thâm nhập sâu thị trường 15.000 tỉ USD

14:19 | 01/07/2020
Chia sẻ
Từ 1/8 năm nay, khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa nói chung, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản Việt Nam sẽ chính thức chạm lấy cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường châu Âu- thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới.

Tại Hội nghị "Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA", tổ chức tại TP HCM ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng EVFTA thực sự sẽ là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Đặc biệt với các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, rau quả, gạo, điều, cà phê, hồ tiêu, sản phẩm gỗ…

"Lâu nay, đại đa số nông sản xuất khẩu sang EU đang phải chịu thuế, mà chúng ta vẫn “thắng” khi xuất được với giá trị lớn vào thị trường này.

Từ 1/8 năm nay, khi EVFTA có hiệu lực, phần lớn dòng thuế được xóa bỏ, nếu cả 3 khu vực gồm Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đồng hành tốt với nhau, chúng ta càng phải “thắng”, cụ thể là sẽ đạt được hiệu quả cao nhất trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU", Bộ trưởng Cường cho hay.

EVFTA là thời cơ để nông, lâm, thủy sản Việt thâm nhập sau thị trường 15.000 tỉ USD - Ảnh 1.

EU thường ưa chuộng những sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, khi EVFTA có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỉ USD.

Với việc xóa bỏ ngay 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa nói chung nhập từ Việt Nam, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU càng lớn hơn nữa.

Chẳng hạn, cà phê xuất khẩu sang EU đang phải chịu thuế 7,5-11,5%, nhưng đã đạt 1,09 tỉ USD năm 2019 (chiếm 37,9% giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam). 

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu cà phê từ Việt Nam và EU sẽ được xóa bỏ hoàn toàn. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vào thị trường rất quan trọng này.

Hay ngành thủy sản, hiện phần lớn thuế suất cơ sở nhập khẩu vào EU từ 6-22%. Sau khi EVFTA có hiệu lực, 50% số dòng thuế sẽ được cắt bỏ ngay, 50% dòng thuế còn lại xóa bỏ sau từ 3-7 năm… 

Đó là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang EU, nơi đang chiếm 11,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Với mặt hàng gạo, năm 2019, Việt Nam chỉ xuất khẩu được sang EU với giá trị khiêm tốn là 10,7 triệu USD, bởi thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao: thuế tuyệt đối 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/tấn với lúa.

Theo cam kết của EVFTA, EU sẽ giành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với thuế 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. 

Đây là cơ hội hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng, lượng gạo 80.000 tấn này là không lớn, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng vì gạo xuất sang EU thường có giá rất cao và khi xuất khẩu vào được EU sẽ là cơ hội để nâng cao uy tín của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

EVFTA là thời cơ để nông, lâm, thủy sản Việt thâm nhập sau thị trường 15.000 tỉ USD - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị "Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA", tổ chức tại TP HCM ngày 30/6. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường EU, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy việc xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lí, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

Song song đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ xây dựng cùng lúc hai chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU và thu hút đầu tư FDI từ EU vào nông nghiệp Việt Nam để gắn nông nghiệp Việt Nam với chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu, tận dụng tốt nhất lợi thế của hai bên trong quan hệ thương mại và đầu tư.

"Thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang EU là rất lớn nhưng thách thức cũng rất nhiều. 

Tuy nhiên, các điều kiện khắt khe cũng là một áp lực tích cực tới để thay đổi các tiêu chuẩn, qui chuẩn, lề lối làm việc từ Bộ NN&PTNT tới các địa phương, doanh nghiệp và nông dân", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả hiệp định EVFTA, sắp tới đây, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và giới thiệu sàn thương mại điện tử với EU để đưa hàng hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường EU. 

Theo đó, trên sàn thương mại điện tử này sẽ tích hợp cung cấp đầy đủ các thông tin, công cụ điều hành của chính phủ điện tử trong đó.

"Sàn thương mại điện tử này sẽ kết hợp các công cụ tiếp cận khai thác thị trường thông qua công cụ xúc tiến thương mại, công cụ về xuất nhập khẩu điện tử. Đồng thời kết nối hàng loạt quy định về thương mại, đầu tư, công nghệ…", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay.

Như Huỳnh