EVFTA: Hướng đi nào cho ngành chăn nuôi?
Cam kết sâu rộng
Khi EVFTA đi vào thực thi, ngành chăn nuôi Việt Nam xóa bỏ ngay lập tức 31,82% số dòng thuế nhập khẩu (NK) sản phẩm chăn nuôi; 6 dòng thuế áp dụng hạn ngạch; số dòng thuế còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 - 9 năm. Về phía EU, sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế NK sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, 27% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau 3 - 7 năm.
Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) - nhận xét, đối với ngành chăn nuôi dư địa thuế và thị trường trong nước khá tốt cho các nước EU, ở chiều ngược lại, sức ép từ EVFTA đối với ngành chăn nuôi trong nước cũng không nhỏ.
Cụ thể, các mặt hàng thịt lợn nhập từ thị trường EU đang chịu thuế 15% - 27% cũng giảm về 0% theo lộ trình 10 năm. Trong khi đó, giá bán lẻ của Việt Nam cao hơn từ 20 - 25% so với giá đông lạnh NK.
Giá mua ở cổng trại chăn nuôi cao hơn từ 40 - 60% so với các nước phát triển. Dư địa thuế nhiều, nhưng lộ trình giảm từ 8-10 năm, ngành hàng này sẽ gặp thách thức trong dài hạn.
Đối với ngành sữa, thuế NK sẽ giảm trong vòng 3 năm, như vậy, sẽ cạnh tranh gay gắt với sữa bột và các sản phẩm sữa trong nước.
Chi phí sản xuất sữa bò ở Việt Nam cũng cao hơn EU, cùng với năng suất trung bình thấp khiến lợi thế sản xuất sữa của Việt Nam thấp hơn EU. Đặc biệt, các DN sữa trong nước gần như không được hưởng lợi từ XK, vì EU vẫn chưa cấp phép NK sữa có xuất xứ từ Việt Nam.
Cũng theo ông Trần Công Thắng, nhiều nước EU có khả năng XK rất mạnh các sản phẩm chăn nuôi như: Thịt lợn, bò, gà, sữa… vào thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, khả năng thâm nhập các thị trường mới của ngành chăn nuôi nội địa còn yếu, do nhiều sản phẩm chưa được công nhận về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Ông Trần Công Thắng nhận xét, NK các sản phẩm thịt từ EU vào Việt Nam hiện vẫn còn tương đối nhỏ, tuy nhiên, khi các mức thuế quan được cắt giảm, rất có thể tỷ trọng và kim ngạch NK từ EU sẽ tăng đáng kể.
Cùng với sự cắt giảm về thuế, các yếu tố khác như tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh, chất lượng, sẽ làm gia tăng cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong nước tại thị trường nội địa.
Đây là áp lực đối với DN trong ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm khi lộ trình cắt giảm thuế hoàn thành. Nhất là khi, ngành chăn nuôi trong nước còn nhỏ lẻ, việc quản lý dịch bệnh, công nghệ chăn nuôi còn hạn chế… rất khó để cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại.
Thực tế này đang đòi hỏi ngành chăn nuôi trong nước phải rất sớm tự vươn lên, tự đứng vững trong bối cảnh mới. Cần lưu ý, độ trễ hiệu lực của EVFTA là rất ngắn so với các FTA khác.
Bên cạnh thách thức, EVFTA cũng thúc đẩy các DN chăn nuôi trong nước tăng cường hợp tác, tiếp thu khoa học - công nghệ mới… từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.