|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVFTA có thể gia tăng sức ép cạnh tranh lên ngành thủy sản

18:07 | 17/07/2019
Chia sẻ
Khi tham gia CPTPP và EVFTA, doanh nghiệp thủy sản buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, qui tắc xuất xứ chặt hơn. Điều này gây sức ép cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu (EU).

Trước mắt EVFTA không mang lại lợi thế về thuế quan cho thuỷ sản Việt Nam

Thủy sản được dự báo sẽ là một trong các ngành hàng chính chịu tác động trực tiếp của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bên cạnh các cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cũng sẽ có không ít khó khăn thách thức và cam kết mà các doanh nghiệp cần tuân thủ (chính sách thuế quan, các cam kết về lao động, môi trường, phát triển bền vững, xuất xứ...).

Tại Hội thảo "Cơ hội và thách thức của ngành thủy sản tại các Hiệp định CPTPP & EVFTA" sáng 17/7, bà Lê Hằng, Phó Tổng giám đốc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết khi tham gia CPTPP, thủy sản Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang 10 thị trường,

Hiện các thành viên trong CPTPP đang chiếm 25% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, vì hầu hết được giảm thuế về 0%.

Tại một số thị trường lớn như Nhật Bản, cơ hội thuế xuất khẩu thấy rõ khi hầu hết sản phẩm chế biến đang chịu thuế cơ bản 4,8 – 10,5% được giảm về 0% ngay lập tức, trừ sản phẩm từ cá trích, cá thu có lộ trình 6 năm và sản phẩm gạo có lộ trình 11 năm.

Sản phẩm có mã HS 03 gồm cá ngừ vây xanh, cá ngừ mắt to, cá ngừ albacore, cá hồi, cá trích, cá thu, cá cơm, cá kiếm, cá tuyết, cá minh thái lộ trình giảm thuế 6 - 11 năm...

Như vậy, trừ mặt hàng cá ngừ và một số cá biển sẽ phải có lộ trình giảm thuế 6 - 11 năm, xuất khẩu tôm, cá tra và các sản phẩm khác hầu như được giảm thuế xuất khẩu về 0% tại các thị trường CPTPP.

Các nước này đang chiếm 31% xuất khẩu tôm của Việt Nam, 15% xuất khẩu cá tra và 31% xuất khẩu hải sản.

Còn đối với EVFTA, sau khi Hiệp định có hiệu lực thì có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 - 22%, trong đó phần lớn thuế cao 6 - 22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế).

Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5 - 26% sẽ được về về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Bên cạnh ưu đãi về thuế, tại hội thảo này, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Ban Pháp chế, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), cho rằng khi tham gia CPTPP và ECFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ, như Ấn Độ và Thái Lan, chưa có FTA với các đối tác.

Hiện tại, Việt Nam trung bình chi khoảng 1 - 1,5 tỉ USD để nhập khẩu thủy sản mỗi năm, với mức thuế nhập khẩu trung bình là 9 - 17%. Vì vậy, bà Trang cho rằng tham gia CPTPP sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt chi phí trong nhập khẩu.

Trong khi đó, EVFTA mở ra 28 thị trường (tính cả Anh) cho hàng hóa Việt Nam và đều là những quốc gia mà chúng ta chưa có FTA. Tuy nhiên, bà Trang cho rằng, nhận định trước mắt, EVFTA không mang lại lợi thế về thuế quan cho thuỷ sản Việt Nam.

thu-trang-1458026914875

Bà bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Ban Pháp chế Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI).

Đồng thời, Việt Nam có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm như tiếp cận các gói mua sắm công (khối khách hàng nhà nước) ở các nước EU và CPTPP.

Các doanh nghiệp cũng có cơ hội nhập khẩu, chuyển giao công nghệ thuận tiên hơn. Thủ tục chứng nhận xuất xứ, thủ tục hải quan thuận lợi hơn.

Quy tắc xuất xử không dễ đáp ứng

Tuy nhiên, bà Trang cũng cho rằng, sẽ có những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam khi tham gia CPTPP và EVFTA.

Trong đó, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng (đối với thủy sản nhập khẩu nguyên liệu về chế biến).

Về cơ bản, bà Trang cho biết, cam kết EVFTA – CPTPP sẽ làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan tới đánh bắt hải sản. Trong khi đó, sức cạnh tranh của sản phẩm nằm ở nhiều khía cạnh phi cam kết (chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp…)

Đáng chú ý, Khi tham gia CPTPP và EVFTA, các doanh nghiệp thủy sản buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, qui tắc xuất xứ chặt hơn. Điều này gây sức ép cạnh tranh cho thủy sản trong nước, đặc biệt là từ thủy sản chế biến từ EU trên thị trường Việt Nam.

Để tận dụng được lợi thế từ CPTPP và EVFTA cũng như tránh những rủi ro, hạn chế những bất lợi do những thách thức mang lại, bà Trang cho rằng, trước hết các doanh nghiệp thủy sản cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các hiệp định FTA.

Doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý thực hiện và đáp ứng các qui định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

Đây là những yêu cầu có trong FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP. 

Đồng thời, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng và chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.

Thu Hoài