EU và Trung Quốc khó có thể đạt thỏa thuận về đầu tư trong năm nay
Ngày 25/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành đàm phán hiệp định đầu tư với Liên minh châu Âu (EU) "theo tốc độ riêng," làm dấy lên nghi ngờ về khả năng hai bên đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay như kỳ vọng gần đây.
Theo hãng tin Reuters của Anh, tiến trình đàm phán Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc đã kéo dài 6 năm mà chưa có kết quả.
Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ giúp các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn.
Tuần trước, một quan chức EU cho biết nhờ sự thúc đẩy từ Đức, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU tới cuối năm 2020, hai bên đang tiến gần tới việc ký kết thỏa thuận. Đức cũng là quốc gia châu Âu xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất.
Tuy nhiên, thông báo mới của Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy khó có khả năng hai bên đạt thỏa thuận trước cuối năm nay.
Cụ thể, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 25/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định Bắc Kinh sẽ thực hiện các cuộc đàm phán theo tốc độ riêng với ưu tiên là bảo vệ an ninh và lợi ích phát triển quốc gia.
Trước đó, chiều 24/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng để đi đến thỏa thuận thì mỗi bên cần nỗ lực để tìm ra điểm cân bằng.
Ông Uông Văn Bân cũng bác bỏ thông tin rằng các cuộc đàm phán đình trệ vì phía Trung Quốc đưa thêm yêu cầu về năng lượng hạt nhân và khẳng định đàm phán vẫn đang diễn ra suôn sẻ.
Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao phương Tây tại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đưa ra một số yêu cầu khó đáp ứng, trong đó có mong muốn tiếp cận các lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng, xử lý nước và các dịch vụ công cộng của EU.
Một vấn đề cản trở chính khác là Trung Quốc chưa thông qua các điều luật quốc tế về lao động, phát triển bền vững.