|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EU tụt xuống vị trí thứ 5 thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam 2019 do tác động từ thẻ vàng

13:33 | 10/01/2020
Chia sẻ
Năm 2019, xuất khẩu hải sản sang thị trường EU sụt giảm 11,5%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2019, xuất khẩu hải sản Việt Nam ước đạt trên 3,2 tỉ USD, tăng 8% so với năm 2018, chủ yếu tăng ở cá ngừ và các loại cá biển khác.

Trong đó tới 65 - 70% doanh số thu được từ cá ngừ và cá biển khác là từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Xuất khẩu hải sản sang thị trường EU sụt giảm 11,5%. EU đã tụt xuống vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam hàng đầu của Việt Nam trong 2019 sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Kết quả này đã phản ánh hệ lụy của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua. EU đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ đứng thứ hai sau Mỹ, chiếm 19% xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.

Đối với mực, bạch tuộc EU là thị trường đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 12%.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc năm 2019 giảm 13% đạt 585 triệu USD, không chỉ giảm ở thị trường EU mà tất cả các thị trường. Nguồn nguyên liệu khan hiếm, khó cạnh tranh với các nguồn cung khác tại các thị trường nhập khẩu khiến xuất khẩu liên tục sụt giảm.

Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Tổng kết Năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Tổng Cục thủy sản diễn ra hôm 26/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho hay sau đợt kiểm tra vừa qua, EC quyết định tiếp tục duy trì thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam trong vòng 6 tháng tới.

"EC hẹn 15/5/2020 gửi báo cáo cho Việt Nam sau đó tiếp tục đến kiểm tra mức độ tuân thủ việc chống đánh bắt bất hợp pháp", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Theo Tổng Cục Thủy sản, trong kết luận của đoàn EC, tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm. Chưa có bằng chứng chứng minh các cơ quan thẩm quyền Việt Nam đã đảm bảo cơ chế truy xuất nguồn gốc đầy đủ và chính xác trong nhà máy chế biến…

Quy mô đội tàu lớn dẫn đến việc quản lý cường lực khai thác còn rất đáng quan ngại, việc tăng đội tàu sẽ xóa bỏ các nỗ lực quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững. Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm.

Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính còn rất hạn chế và chưa thống nhất giữa các địa phương đặc biệt là đối với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

H,Mĩ