EU: Thép Trung Quốc được ‘tuồn’ qua Việt Nam để trốn 9,6 triệu USD tiền thuế
Thép Trung Quốc được ‘tuồn’ qua Việt Nam để trốn 9,6 triệu USD tiền thuế. (Ảnh: Reuters) |
Reuters trích thông báo từ Văn phòng chống gian lận của Liên minh châu Âu (OLAF) cho biết, thép tráng hữu cơ do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu sang Việt Nam để lấy giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ Việt Nam trước khi xuất khẩu sang EU. Với “mánh khóe” này, thép Trung Quốc đã trốn được khoản thuế chống bán phá giá gần 8,2 triệu euro (9,6 triệu USD) từ EU.
Theo đó, OLAF đã gửi các văn bản khuyến nghị tài chính tới cơ quan hải quan của các nước trong khu vực EU, gồm Bỉ, Hy Lạp, Slovenia, Italy, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Lithuania, Romania và Thụy Sĩ, nhằm thu hồi khoản thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp trên đối với thép Trung Quốc.
Để giải quyết tình trạng này, chuyên gia phân tích Seth Rosenfeld tại công ty Jeffferies cho rằng: “Nếu EU áp dụng mức thuế đối với thép Trung Quốc cho thép nhập khẩu từ Việt Nam thì sẽ không còn kẽ hở cho các hãng sản xuất thép châu Á khi tiếp cận với thị trường EU.”
OLAF cho biết, lượng thép có liên quan tới vụ việc này khá nhỏ và tình trạng này cũng đã chấm dứt từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người tham gia giao dịch trên thị trường, Việt Nam vẫn là “trung tâm” để Trung Quốc thực hiện các mánh khóe thương mại về thép.
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và các nước phương Tây tiếp tục gia tăng, đặc biệt từ sau khi Mỹ thắt chặt quy định nhập khẩu với sản phẩm thép của Trung Quốc. Các hãng sản xuất thép phương Tây kỳ vọng EU sẽ tiếp tục thực hiện cuộc điều tra tương tự về thiệt hại của Mỹ trước “mánh khóe” thương mại này của ngành thép Trung Quốc.
Theo một số ước tính, có tới 90% tổng giá trị thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được sản xuất ở Trung Quốc.
Nhập khẩu thép chống gỉ và thép cuộn lạnh xuất xứ từ Trung Quốc của Mỹ có xu hướng giảm từ sau khi chính phủ Mỹ quyết định áp thuế vào năm 2016, giảm xuống còn hơn 45.000 tấn từ mức 1,2 triệu tấn của năm 2015, theo số liệu của Cục Thống kê Thép Quốc tế. Tuy nhiên, nhập khẩu hai sản phẩm này từ Việt Nam trong cùng kỳ lại tăng gấp 10 lần lên gần 700.000 tấn.
Hiện tại, chính phủ Mỹ cũng đang điều tra vụ việc liên quan tới 1 triệu tấn nhôm Trung Quốc được “tuồn” qua Việt Nam trước khi xuất khẩu qua Mexico để trốn thuế.
Tại EU, nhập khẩu thép chống gỉ Trung Quốc lại khá ổn định trong năm kết thúc vào tháng 8 nhưng đồng thời, nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam lại tăng mạnh. EU bắt đầu áp thuế chống trợ cấp đối với thép chống gỉ có xuất xứ từ Trung Quốc từ tháng 8.
Về phía Việt Nam, Việt Nam là nước nhập khẩu thép lớn thứ 6 thế giới, Reuters cho biết. Trước tình trạng nhập khẩu thép ồ ạt từ Trung Quốc, chính phủ Việt Nam cũng phải áp dụng nhiều loại thuế nhập khẩu đối với thép trong vài năm gần đây, nhằm tránh gây thiệt hại cho ngành sản xuất thép nội địa cũng như giảm thâm hụt thương mại thép với Trung Quốc.
Công suất sản xuất thép của Việt Nam đã tăng gần hai lần trong năm 2016 lên 21,15 triệu tấn, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam trong cùng kỳ ước đạt 22,3 triệu tấn, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết.