Elon Musk có thể vướng vào cuộc chiến pháp lý kéo dài sau khi 'quay xe' trong thương vụ mua lại Twitter
Cuối tuần trước, tỷ phú Elon Musk đã rút lui khỏi thương vụ trị giá 44 tỷ USD để mua lại Twitter, với lý do tiếp tục có những bất đồng về số lượng tài khoản spam trên nền tảng này, theo CNBC.
Theo các chuyên gia pháp lý, mặc dù Musk có thể muốn kết thúc giá thầu của mình cho Twitter, nhưng điều đó không đơn giản. Elon Musk có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến kéo dài phía trước với Twitter tại tòa án trong nhiều tháng để giải quyết vấn đề.
Ann Lipton, giáo sư quản trị công ty tại Trường Luật Tulane, cho biết hội đồng quản trị của Twitter đang ở một vị trí rất khó khăn. “Họ không thể chỉ nói rằng: “Được rồi, hãy để chúng tôi bớt đau khổ, Elon. Chúng tôi sẽ cho phép ông hạ giá xuống 20 USD/cổ phiếu, hoặc chúng tôi sẽ giải quyết, chúng tôi sẽ đồng ý bỏ đi nếu ông trả khoản phí bồi thường”. Ý tôi là, Twitter không ở trong tình trạng có thể làm được điều đó”.
Bà nói thêm rằng nếu làm như vậy sẽ có nguy cơ dẫn đến một vụ kiện của các cổ đông Twitter. Các cổ đông Twitter đã đệ đơn kiện công ty và bản thân Elon Musk về thương vụ hỗn loạn này.
Chuyên gia Lipton cho biết các thỏa thuận sáp nhập “rất khó để chấm dứt hoàn toàn” và cho đến nay, Musk dường như đã không cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh cho những tuyên bố của mình rằng Twitter đã nói dối về các số liệu liên quan đến tài khoản bot và spam.
Trong khi đó, chủ tịch của Twitter, Bret Taylor, đã hứa rằng hội đồng quản trị của công ty sẽ có hành động pháp lý chống lại Elon Musk. “Hội đồng quản trị Twitter cam kết chấm dứt giao dịch với mức giá và các điều khoản đã thỏa thuận với ông Musk và có kế hoạch theo đuổi hành động pháp lý để thực thi thỏa thuận sáp nhập này”, Taylor viết trong một tweet.
Elon Musk đã ký một thỏa thuận ràng buộc pháp lý vào tháng 4 để mua Twitter với giá 54,20 USD/cổ phiếu. Thỏa thuận nêu rõ rằng nếu một trong hai bên phá vỡ thỏa thuận, họ sẽ phải trả khoản phí bồi thường trị giá 1 tỷ USD.
Không lâu sau khi đạt được thỏa thuận, Musk bắt đầu ám chỉ rằng ông đang có những động thái “quay xe”. Vào tháng 5, Musk cho biết ông quyết định "tạm dừng" việc mua lại Twitter khi đánh giá các tuyên bố của công ty rằng khoảng 5% người dùng hoạt động hàng ngày có thể kiếm tiền (mDAU) là tài khoản spam. Twitter cho biết họ đã tiếp tục chia sẻ thông tin với Musk, bao gồm cả việc lật lại “firehose”, dòng tweet hàng ngày chảy qua nền tảng.
Trong một bức thư được CNBC thu thập gần đây, các luật sư của Musk đã cáo buộc Twitter về việc "vi phạm nghiêm trọng nhiều điều khoản" trong thỏa thuận giao dịch và tuyên bố rằng công ty đã đưa ra "những thông tin sai lệch và gây hiểu lầm" về sự phổ biến của các tài khoản giả mạo trên nền tảng của mình.
“Có rất nhiều lý do để nghi ngờ việc Twitter đã đưa ra những thông tin sai lệch như vậy, nhưng hãy giả sử rằng kể cả Twitter đã làm vậy, đó thực sự không phải là lý do để hủy bỏ một thỏa thuận hợp nhất”, bà Lipton chia sẻ.
Giáo sư này nói thêm rằng, để xảy ra "vi phạm nghiêm trọng" đối với thỏa thuận giao dịch, Musk sẽ phải chứng minh rằng Twitter đã đưa ra những tuyên bố sai lệch nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng lâu dài tới tiềm năng lợi nhuận của công ty.
Twitter có thể nắm lợi thế
Bà Lipton cho biết Twitter dường như có ưu thế hơn nếu hai bên phải ra hầu tòa. Thỏa thuận sáp nhập bao gồm một "điều khoản cụ thể về hiệu suất", trong đó nói rằng Twitter có quyền kiện Musk để buộc ông phải thực hiện thỏa thuận, miễn là các khoản vay nợ của CEO Tesla còn hiệu lực.
Trong những ngày tới, Twitter có thể sẽ đệ đơn kiện ở Delaware và yêu cầu thẩm phán đưa ra phán quyết liệu công ty này có vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hay không, sau đó sẽ yêu cầu Musk “thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng và hoàn tất việc sáp nhập”, Brian Quinn, một giáo sư tại Trường Luật Boston cho biết. Ông hy vọng cả hai bên sẽ tiếp tục đưa ra lý lẽ của mình trước tòa, như một phần của quá trình kiện tụng có thể mất một năm để kết thúc.
Adam Sterling, CEO Trung tâm Luật và Kinh doanh Berkeley nói với CNBC rằng Twitter có án lệ pháp lý mạnh trong khi của Musk thì ít như vậy. “Anh ấy (Musk) đưa ra một số lập luận pháp lý mà tôi cho rằng rất đáng ngờ. Musk không chỉ tập trung vào số lượng bot trên các nền tảng mà còn cả hiệu suất của công ty, vì vậy, ông ta đã ném tất cả những lập luận này ra khỏi đó”.
Giáo sư Lipton cho biết Twitter có thể đồng ý với một thay đổi nhỏ trong giá thỏa thuận là mức giá 54,20 USD/cổ phiếu để tránh kiện tụng. Điều này có thể không làm hài lòng các cổ đông Twitter, những người yêu thích lời đề nghị đầu tiên của Elon Musk.
Giá mua tương đương 38% so với giá cổ phiếu đóng cửa ở mức 39,31 USD/cổ phiếu của công ty vào ngày 1/4, là ngày giao dịch cuối cùng trước khi ông Musk tiết lộ đang sở hữu 9% Twitter. Giá cổ phiếu Twitter đóng cửa ở mức 30,04 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 8/7.
Chuyên gia Lipton cho biết vẫn chưa rõ Musk sẽ giải quyết vấn đề gì. “Tôi không chắc rằng liệu có phải Musk chỉ muốn giảm một hoặc hai USD giá cổ phiếu. Tôi nghĩ rằng các bên sẽ chưa thể ổn định ở thời điểm hiện tại”.