eDiGi của 'vua hàng hiệu' Jonathan Hạnh Nguyễn đóng cửa và thế khó của brandshop trên thị trường Apple tại Việt Nam
Vừa qua, Fanpage chính thức của eDiGi đã đưa ra dòng thông báo về việc cửa hàng eDiGi chính thức ngừng hoạt động từ ngày 28/4/2023. Mặc dù ngừng hoạt động từ ngày 28/4, song phải tới hôm nay, tức 17/5, đơn vị này mới đưa ra thông báo trên fanpage cũng như website chính thức.
Trả lời trên truyền thông, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP Group, công ty mẹ của eDiGi cũng cho biết, doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh do điều kiện thị trường không thuận lợi. Cụ thể, có nhiều yếu tố cạnh tranh, đặc biệt là nguồn hàng khiến việc kinh doanh sản phẩm Apple không còn hấp dẫn như trước.
Trước đó, vào năm 2018, IPP cho biết sẽ mở cửa hàng Apple đầu tiên đạt chuẩn APR (Apple Premium Reseller - cửa hàng kinh doanh sản phẩm và phụ kiện chính hãng Apple mức độ cao cấp nhất) ở Việt Nam với tên gọi là eDiGi.
Không dừng lại ở đó, eDiGi cũng sẽ là cửa hàng đầu tiên đạt luôn tiêu chuẩn ASP (Apple Service Provider - Nhà cung cấp dịch vụ) tính tới thời điểm hiện tại. Theo thông tin từ IPP, eDiGi sẽ là đơn vị duy nhất có khả năng nhập khẩu linh kiện chính hãng từ Apple ở Việt Nam.
Cửa hàng của eDiGi có quy mô 250m2 được đặt tại số 2 Công xã Paris, ngay trung tâm quận 1, TP.HCM. Thời điểm mới ra mắt, giới kinh doanh đã tỏ ra hào hứng khi theo dõi cuộc chiến giành thị phần của eDiGi với F.Studio (FPT Retail) và Thế Giới Di Động, hai đơn vị nắm 80% doanh thu hàng chính hãng Apple ở thị trường Việt Nam thời điểm đó.
Cũng vào thời điểm mới ra mắt 5 năm trước, eDiGi có tham vọng lớn khi thị trường Apple chính hãng tại Việt Nam còn đang lép vế so với hàng xách tay, cũng như việc được phát triển bởi một trong những doanh nghiệp hàng đầu về hàng hóa xa xỉ tại Việt Nam là IPP Group. eDiGi cũng có lợi thế nhất định khi được đặt ở vị trí trung tâm, đắt đỏ bậc nhất của TP HCM và là cửa hàng đạt hai chuẩn cửa hàng bán lẻ, trung tâm dịch vụ chuẩn cao cấp nhất của Apple.
Tuy nhiên, sau 5 năm, eDiGi chỉ dừng lại ở một địa điểm này. Theo chia sẻ từ một đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam, ngoài những yếu tố liên quan tới vận hành, kinh doanh mang tính chủ quan của đơn vị đứng sau, thì nguyên nhân đóng cửa của eDiGi có thể là do người tiêu dùng Việt Nam vẫn có xu hướng lựa chọn những nơi mua hàng với giá bán hợp lý cùng nhiều dịch vụ linh hoạt hơn. Trong khi đó, người tiêu dùng dường như vẫn chưa quen đến các cửa hàng cao cấp của các nhãn hàng.
“Như phát biểu gần đây của một trong những nhà bán lẻ hàng đầu thị trường thì cho tới nay, các cửa hàng thương hiệu (brandshop) vẫn chưa thể thành công tại Việt Nam. Trong vài năm vừa qua, chúng ta có thể thấy một số nhà bán lẻ đã mở hàng loạt các cửa hàng mono store, lớn có, nhỏ có, phủ tới hơn 100 cửa hàng, nhưng cho tới hiện nay, hầu hết cửa hàng bán lẻ này vẫn phải cạnh tranh bằng giá rẻ chứ không phải bằng dịch vụ và duy trì mức giá bán cao như hãng.
Có lẽ sẽ mất thêm nhiều năm nữa để các chuỗi này educate (giáo dục – pv) người dùng tạo thói quen trải nghiệm, mua sắm tại các cửa hàng brandshop, hoặc cũng có thể phải chờ tới khi hệ thống giao thông tàu điện và văn hoá tiêu dùng tại trung tâm thương mại được hình thành thì mới có cơ hội thành công cho brandshop”, phía đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam này chia sẻ thêm.
Trước đó, vào sáng 12/5, Apple phát đi thông báo về việc sẽ ra mắt cửa hàng trực tuyến dành cho thị trường Việt Nam, chính thức hoạt động từ ngày 18/5. Hãng cho biết cửa hàng trực tuyến chính thức này sẽ phân phối đầy đủ thiết bị và hỗ trợ tiếng Việt.
Theo giới thiệu, cửa hàng bán lẻ trực tuyến của Apple này bao gồm một số dịch vụ mà họ tin rằng có thể trở thành lý do giúp việc mua sắm với Apple tạo cho người dùng trải nghiệm khác biệt như hỗ trợ mua sắm, chương trình Apple Trade In, AppleCare+, giao hàng Apple và ứng dụng Apple Store.
“Chúng tôi vinh dự khi mở rộng tại Việt Nam, cũng như rất phấn khởi khi có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ của Apple đến cho khách hàng, với sự ra mắt của Apple Store trực tuyến”, bà Deirdre O’Brien, Phó chủ tịch cấp cao mảng Bán lẻ của Apple cho biết.
Tại Việt Nam, Apple gần như chỉ làm việc với các đối tác bán lẻ, nhà phân phối. Khi người dùng muốn mua hàng, website công ty trả về kết quả vị trí cửa hàng ủy quyền lân cận, thay vì công cụ thanh toán, theo Zing News.