ECB họp khẩn để bàn về biến động thị trường tài chính
Theo CNBC, một người phát ngôn của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết: “Các quan chức ECB sẽ họp bất thường để thảo luận về tình hình thị trường hiện nay”.
Chi phí đi vay của nhiều chính phủ tại châu Âu đang tăng nhanh trong những tuần gần đây. Ngày 14/6, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Italy và Đức – thước đo sự sợ hãi tại châu Âu - đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2020 trở lại đây.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Italy cũng vượt mốc 4% trong tuần này.
Những biến động trên thị trường trái phiếu cho thấy tâm lý quan ngại của nhà đầu tư cũng như phản ánh khả năng ECB sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn dự báo để kiểm soát lạm phát.
Trong cuộc họp báo cuối tuần trước (9/6), ECB đã không đưa ra được bất kỳ thông tin chi tiết nào về các biện pháp tiềm năng nhằm hỗ trợ những quốc gia nặng nợ ở châu Âu, khiến cho cộng đồng đầu tư càng thêm lo lắng.
Tuy vậy, sau thông báo về cuộc họp khẩn ngày 15/6, lợi suất trái phiếu khu vực châu Âu đã đi xuống và đồng euro lên giá so với USD.
Giá cổ phiếu các ngân hàng Italy như Intesa Sanpaolo và Banco Bpm diễn biến tích cực sau thông tin từ ECB, cùng tăng 5% trong phiên giao dịch đầu buổi sáng 15/6.
Theo CNBC, các nhà đầu tư có vẻ đang kỳ vọng ECB sẽ có phương án giải quyết tình trạng phân mảng tài chính và làm rõ về các biện pháp sẽ được thực thi để giúp đỡ các quốc gia nặng nợ.
Trước khi có thông tin về cuộc họp bất thường của ECB, bà Isabel Schnabel, một Ủy viên Ban Chấp hành của ECB, đã phát biểu tại Paris ngày 14/6: “Cam kết của chúng tôi đối với khu vực euro chính là công cụ chống phân mảng tài chính. Cam kết này không có giới hạn. Và lịch sử cho thấy chúng tôi luôn hành động khi cần thiết”.
Phân mảng tài chính là một rủi ro lớn đối với khu vực euro. Mặc dù 19 quốc gia thành viên sử dụng chung một đồng tiền nhưng lại có chính sách tài khóa khác nhau, khiến cho thị trường tài chính của các nước biến động trái ngược nhau. Sự bất ổn tài chính tại một quốc gia có thể lây lan sang các nước thành viên khác.
Một trong những giây phút mang tính quyết định nhất trong lịch sử ECB diễn ra vào năm 2012 khi Chủ tịch ECB khi đó là ông Mario Draghi tuyên bố Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” để bảo vệ đồng tiền chung của khối.