|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ECB đã bỏ lỡ lối thoát khỏi chính sách lãi suất âm

18:50 | 24/01/2020
Chia sẻ
Trong lúc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đánh giá lại chiến lược sau nhiều năm kích thích tiền tệ triệt để, các giám đốc ngân hàng đang tăng cường kêu gọi ECB nên đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên lãi suất âm.

Chính sách lãi suất âm là một “sự bóp méo” và chính sách này tồn tại càng lâu thì hiệu ứng phụ từ nó càng trở nên quan trọng, Axel Weber, Chủ tịch của UBS Group AG, cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). 

“Lãi suất âm không phải là chính sách hợp lý tại thời điểm này”, Kees van Dijkhuizen, vị “thuyền trưởng” của ngân hàng ABN Amro Bank NV của Hà Lan, than thở. Người đồng cấp của ông tại Deutsche Bank, Christian Sewing, thậm chí còn nói thẳng thừng hơn, cho rằng ECB “đã bỏ lỡ lối ra (cho chính sách lãi suất âm)” khi tăng trưởng đã mạnh hơn.

Những lời kêu gọi chấm dứt chính sách lãi suất âm ngày càng lớn hơn khi chi phí mà các ngân hàng phải hứng chịu ngày càng nhiều và nỗi lo về sợ lãi suất âm đối với tiền gửi của người dân khiến các chính trị gia ở địa phương tỏ ra bất mãn. 

Mục tiêu của ECB là vực dậy nền kinh tế và lạm phát bằng cách thúc những người thừa tiền mặt đi đầu tư hoặc chi tiêu nó, nhưng tác dụng phụ của chính sách này đang khiến nhiều ngân hàng châu Âu tụt quá xa so với các ngân hàng trên Phố Wall. 

Chính sách này cũng làm gia tăng rạn nứt giữa những nhà đầu tư giàu có – vốn hưởng lợi từ kỷ nguyên tiền rẻ – và những ai đang phải chứng kiến lượng tiền tiết kiệm cho hưu trí giảm dần, ông Sewing cho hay.

Christine Lagarde, tân Chủ tịch của ECB, tìm cách hiện đại hóa NHTW này bằng cách đánh giá lại mục tiêu lạm phát, đồng thời nghiên cứu các biện pháp thay thế để thúc đẩy tăng trưởng giá hàng hóa và đánh giá lại các công cụ chính sách. 

Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg dự báo ECB sẽ không nâng lãi suất trước quý I/2022. Điều này có nghĩa những khoản chi phí mà các ngân hàng phải trả cho lượng tiền gửi tại ECB sẽ tiếp tục tăng.

Các ngân hàng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã trả 25 tỉ euro (tương đương 28 tỉ USD) để gửi tiền tại ECB kể từ tháng 6/2014, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg

Lorenzo Bini Smaghi, Chủ tịch của Societe Generale SA, đã gọi những khoản phí này là một loại thuế đang gây tổn thương đến khả năng sinh lãi của các ngân hàng, vì các ngân hàng này bị giới hạn về mức mà họ có thể truyền gánh nặng lại cho khách hàng. 

Dù vậy, vẫn còn đó một lợi ích: Ước tính của ECB cho thấy nếu không có những động thái chính sách của NHTW, GDP thực của Eurozone lẽ ra sẽ thấp hơn 2,7 điểm phần trăm tại cuối năm 2018.

ECB không quá lo ngại về lợi nhuận ngân hàng, nhưng họ muốn đảm bảo rằng các ngân hàng tiếp tục hoạt động cho vay. 

Đó là lí do tại sao ECB giảm bớt một phần tác động từ chính sách lãi suất âm đối với các ngân hàng trong năm 2019 bằng cách miễn phí tiền gửi cho một số khoản dự trữ của các ngân hàng tại NHTW. Dù vậy, các ngân hàng lại lên tiếng phàn nàn rằng lợi ích này phần lớn đã bị mất vì ECB cũng đẩy lãi suất xuống sâu hơn. 

"Rất khó để đối phó với chuyện này ở châu Âu và Hà Lan", van Dijkhuizen cho hay. "Thật đau đầu".

Một số ngân hàng châu Âu bị tác động nặng nề hơn vì lãi suất âm. Các ngân hàng Đức – vốn đang có lượng tiền gửi lớn – bị tác động cực kì nặng nề. 

Đánh giá lại của ECB về chính sách tiền tệ là rất quan trọng vì rủi ro và tác dụng phụ đang dần dần trở nên rõ hơn, Christian Ossig, đồng Giám đốc điều hành tại Hiệp hội các Ngân hàng Đức, nói với phóng viên ở Frankfurt trong tuần trước. 

"Tác dụng phụ của lãi suất âm khiến giới chuyên gia hoài nghi về tính hiệu quả của chính sách tiền tệ. Chúng tác động đến cả ngân hàng và khách hàng của chúng tôi".

Minh Tuấn