|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khi thế giới nghiêng về chính sách lãi suất âm

06:53 | 29/10/2019
Chia sẻ
Dư luận cơ bản cho rằng trong cuộc họp diễn ra vào tuần này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục giảm lãi suất nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế.
Khi thế giới nghiêng về chính sách lãi suất âm - Ảnh 1.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng như Fed, trước tình trạng tốc độ tăng trưởng đi xuống và để tránh rơi vào suy thoái, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã hạ lãi suất.

Thậm chí, lãi suất âm và nới lỏng định lượng dường như đã trở thành biện pháp ứng cứu duy nhất. Tuy hiệu quả của nó đã giảm mạnh, hơn nữa còn có thể để lại nhiều hậu quả sau này, nhưng vấn đề ở chỗ tạm thời có lẽ chưa có biện pháp khác nào phù hợp hơn.

Trong bản tin phát đi ngày 28/10, Market Watch dẫn nghiên cứu của CME Group nhận định xác suất Fed giảm lãi suất từ mức 1,75-2% hiện nay xuống 1,5-1,75% sau cuộc họp ngày 29-30/10 đã tăng lên 93,5%.

Trước đó, hãng tin Bloomberg cũng cho rằng xác suất Fed giảm lãi suất xuống 1,5-1,75% đang tăng dần lên sau khi đạt mức gần 90%. 

Nếu sau cuộc họp tuần này, Fed quyết định giảm lãi suất, đây sẽ là lần thứ ba trong năm 2019, Fed giảm lãi suất sau khi đưa ra quyết định tương tự hồi tháng Bảy và tháng Chín.

Đó sẽ là một thông tin tốt đối với thị trường vốn, nhưng mặt khác cho thấy kinh tế Mỹ đang rất cần “thuốc trợ lực”. Quả thực, Fed có lý do để tiếp tục giảm lãi suất, bởi một số số liệu kinh tế Mỹ đang đi xuống.

Lấy ví dụ, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố cho thấy tháng Chín là tháng thứ hai liên tiếp, Chỉ số PMI chỉ còn 47,8 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp, Chỉ số PMI nằm dưới ngưỡng 50 điểm, phản ánh sản xuất bị thu hẹp, hơn nữa, tình hình này còn yếu kém hơn những gì các nhà kinh tế dự báo.

Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters còn cho rằng PMI tháng Chín của Mỹ sẽ tăng lên 50,1 điểm.

Vậy kinh tế Mỹ có bao nhiêu khả năng rơi vào suy thoái trong năm 2020? Theo ước tính của Fed, dựa trên chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay, rủi ro kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 34,8%.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Henry Summers, Giáo sư ở Đại học Harvard, gần đây cũng cảnh báo rủi ro suy thoái của Mỹ “cao hơn nhiều so với cách đây hai tháng” và rủi ro suy thoái của Mỹ vào trước cuối năm 2020 đã lên tới hơn 30%.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy chương trình giảm lãi suất mà ông gọi là có quy mô lớn nhất lịch sử Mỹ.

Cộng thêm việc thâm hụt ngân sách tài khóa 2019 đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 7 năm và nợ công tương đương 108% GDP, có thể Mỹ không còn nhiều “đạn dược” cho việc kích thích tài chính.

Cho nên, Fed dường như đã trở thành chỗ dựa chủ yếu thông qua việc tiếp tục giảm lãi suất và thực thi chính sách nới lỏng định lượng. Khả năng lãi suất ở Mỹ giảm xuống mức âm vì thế không phải không có.

Cho dù có phải đối mặt với tình trạng khó khăn về tài chính hay không, hiện nay nhiều nước vẫn phải dựa vào việc ngân hàng trung ương “mở vòi” bơm tiền vào thị trường.

Không chỉ riêng Mỹ, các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) cũng phải làm như vậy, thậm chí là thực hiện chính sách lãi suất âm.

Theo báo cáo ổn định tài chính toàn cầu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 10/2019, trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước đua nhau bơm tiền vào thị trường, quy mô trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất âm trên toàn cầu đã lên tới 1.500 tỷ USD.

Thị trường thậm chí còn dự đoán chí ít 1/5 nước trên thế giới sẽ duy trì lãi suất âm đối với trái phiếu chính phủ trong tối thiểu 3 năm. Hy Lạp là ví dụ điển hình.

Năm 2012, trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Hy Lạp có lãi suất gần 24%.

 Tuy nhiên, vào ngày 9/10 vừa qua, Hy Lạp đã bán được 478,5 triệu euro trái phiếu kỳ hạn 3 tháng với lãi suất âm 0,02%, đồng nghĩa với việc nếu nhà đầu tư giữ trái phiếu đó cho tới khi đáo hạn, họ sẽ nhận lại số tiền ít hơn số tiền mà họ bỏ ra lúc đầu.

Theo CNN Business, quốc gia nặng nợ nhất châu Âu này đã trở thành nước mới nhất trong khu vực bán trái phiếu chính phủ với lãi suất âm. Trước đó, Đức, Tây Ban Nha, Italy và một số nền kinh tế nhỏ hơn như Czech cũng bán trái phiếu với lãi suất âm.

Vấn đề ở chỗ việc ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục giảm lãi suất, thậm chí thực thi chính sách lãi suất âm và nới lỏng định lượng có giúp chấn hưng kinh tế toàn cầu vào năm tới hay có ngăn chặn được khả năng kinh tế rơi vào suy thoái hay không?

Nghiên cứu của chi nhánh Fed tại San Francisco cho thấy chính sách lãi suất âm có thể giúp lãi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống một cách hữu hiệu để đạt mục tiêu nới lỏng tài chính. Như vậy, về lý thuyết, chính sách lãi suất âm có thể mang tới công hiệu chấn hưng kinh tế nhất định.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng cho thấy các chính sách tiền tệ như nới lỏng định lượng và lãi suất âm có thể nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản bị thắt chặt, nhưng lại mang tới tác dụng hữu hạn trên phương diện kích thích tăng trưởng kinh tế.

Bởi nếu nó có công hiệu lớn, kinh tế Nhật Bản và EU đã sớm thoát khỏi “vũng lầy” chứ không tiếp tục trì trệ như hiện nay.

Cộng thêm việc một lượng lớn tiền bơm ra đểu cứu kinh tế sau khủng hoảng tài chính năm 2008 vẫn chưa được thu về và không ít ngân hàng trung ương như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục thực hiện chính sách lãi suất âm, e rằng liều thuốc nới lỏng tiền tệ trong năm nay và sang năm sẽ khó mang lại công hiệu như trước.

Tuy vậy, trước tình trạng tăng trưởng suy giảm, nhiều ngân hàng trung ương đành phải vừa bơm tiền cứu kinh tế, vừa tìm cách tháo ngòi những “quả bom nổ chậm”.

Hà Ngọc