|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

EC yêu cầu lập hội đồng phân xử tại WTO để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc

04:05 | 08/12/2022
Chia sẻ
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 7/12 thông báo cơ quan này đã yêu cầu thành lập các hội đồng phân xử tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bước tiếp theo liên quan tới hai tranh chấp thương mại với Trung Quốc.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các tranh chấp này, đều được đưa lên WTO hồi đầu năm nay, liên quan đến cáo buộc các hạn chế của Trung Quốc đối với quyền của các công ty EU trong việc sử dụng tòa án nước ngoài để bảo vệ bằng sáng chế công nghệ cao của mình và về thương mại với Litva (Lít-va), một thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

EC cho biết, trong cả hai trường hợp, các biện pháp này đều gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp châu Âu. Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm vào Litva đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại nội khối EU.

EC, ủy ban giám sát chính sách thương mại của EU gồm 27 thành viên, đã chính thức yêu cầu tham vấn với Trung Quốc tại WTO, bước đầu tiên trong một yêu cầu của WTO. Những cuộc tham vấn như vậy hiếm khi giải quyết được tranh chấp.

EC cho biết, cơ quan này sẽ yêu cầu thành lập một ban hội thẩm của WTO tại cuộc họp tiếp theo của Ban giải quyết tranh chấp của WTO vào ngày 20/12, đồng thời lưu ý rằng các thủ tục của ban hội thẩm có thể kéo dài tới một năm rưỡi.

Một trong những tranh chấp này liên quan đến việc Trung Quốc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva từ tháng 12/2021 và gây áp lực buộc các công ty đa quốc gia cắt đứt liên kết với quốc gia Baltic 2,8 triệu dân này sau khi nước này cho phép Đài Loan (Trung Quốc) mở đại sứ quán ở Vilnius.

EC cho biết, Trung Quốc cũng đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rượu, thịt bò, sữa, gỗ và than bùn được vận chuyển từ Litva trên cơ sở các quy tắc an toàn thực phẩm và thực vật mà không chứng minh được các lệnh cấm đó là hợp lý.

Trong tranh chấp khác, EC cho biết kể từ tháng 8/2020, các tòa án Trung Quốc đã ban hành "lệnh chống kiện" nhằm ngăn các công ty châu Âu tìm cách sửa lại các bằng sáng chế tiêu chuẩn thiết yếu tại các tòa án không phải của Trung Quốc, chẳng hạn như tòa án EU.

EC cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc đã sử dụng các lệnh này để gây áp lực cho những người nắm giữ quyền bằng sáng chế để cấp cho họ quyền tiếp cận công nghệ châu Âu với giá rẻ hơn.

Minh Hằng