|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đường sắt cao tốc sẽ kéo các dự án bán lẻ, khách sạn, văn phòng mọc lên như nấm

10:14 | 06/04/2017
Chia sẻ
TS. Chua Yang Liang, Giám đốc Nghiên cứu Đông Nam Á, JLL cho rằng, các dự án bán lẻ, khách sạn và văn phòng sẽ mọc lên như nấm xung quanh các nút giao thông dọc tuyến đường sắt cao tốc xuyên Á.
duong sat cao toc se keo cac du an ban le khach san van phong moc len nhu nam
Ảnh minh họa.

Theo Công ty bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL), trước đây, cụm từ đường sắt cao tốc khá xa lạ với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên kể từ sau bài phát biểu năm 1995 của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, khối ASEAN gồm 10 quốc gia đã cùng thống nhất dự kiến sẽ liên kết đường sắt xuyên Á, nối giữa Singapore và Côn Minh, phía Tây Nam Trung Quốc, đi ngang qua Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đến Trung Quốc. Các đường nhánh sẽ nối Thái Lan với Myanmar và Lào.

Mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ làm giảm thời gian di chuyển và tiết kiệm nhiên liệu. Yếu tố quan trọng nhất là các dự án sẽ được phát triển không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà còn ở những khu vực quá cảnh của tuyến tàu.

Theo TS. Chua Yang Liang, Giám đốc Nghiên cứu Đông Nam Á, JLL: “Điều này có thể thúc đẩy các nước đang phát triển tăng trưởng vượt bậc. Sự tăng trưởng kinh tế sẽ được phân bố đều trong khu vực. Các tuyến đường sắt hiện đại không chỉ tạo ra nhiều trung tâm mới tại các thành phố nơi có trạm dừng mà còn đem lại nhiều cơ hội đầu tư ở những khu vực xa hơn”.

TS. Chua tin rằng các dự án bán lẻ, khách sạn và văn phòng sẽ mọc lên như nấm xung quanh các nút giao thông.

Theo Steven McCord, Giám đốc Nghiên Cứu phía Bắc Trung Quốc, JLL, đường sắt cao tốc thích hợp với các quốc gia có mật độ dân số thành thị cao. Ở những thành phố đông dân, các tuyến đường sắt nối liền với giao thông toàn thành phố. Ở Nhật Bản và Hồng Kông, các dự án phát triển phức hợp thường “đặt chỗ” ngay tại các trạm tàu, và sau đó trở thành những điểm đến hấp dẫn.

Hiện nay, Chính phủ các nước khu vực Đông Nam Á đang rất quan tâm đến những tác động của đường sắt cao tốc. Nhiều bài học kinh nghiệm từ các tuyến đường cao tốc trên toàn châu Á có thể được áp dụng cho khu vực Đông Nam Á để tạo cơ hội không chỉ cho nhà đầu tư và chủ đầu tư mà còn cho các doanh nghiệp và cư dân của các thành phố dọc theo tuyến đường cao tốc.

Tại Việt Nam, mới đây, Chính phủ cũng vừa yêu cầu ngành giao thông vận tải sớm trình xin chủ trương để lập và đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và một số tuyến đường sắt quan trọng như Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Lộc Ninh... nhằm nâng cao năng lực kết nối quốc gia và vùng, tạo sức hấp dẫn đầu tư, gia tăng cơ hội việc làm cho các đô thị trung bình, kéo giảm mức độ di dân cơ học về Hà Nội, TP.HCM, giảm áp lực về giao thông, môi trường và an sinh xã hội.

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải dự kiến đường cao tốc Bắc – Nam cần phải xây dựng 1.372 km, điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (Nam Định), điểm cuối tại nút giao Dầu Giây (Đồng Nai).

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải tổng mức đầu tư cho 1.372km là 314.100 tỷ đồng, ở giai đoạn 1 dự kiến đầu tư gần 245.000 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước dự kiến là 96.600 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư 148.400 tỷ đồng; giai đoạn 2 mức đầu tư 69.100 tỷ đồng.

Kiều Châu