Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể mang về 22 tỷ USD, tạo ra thị trường xây dựng hơn 33 tỷ USD
Theo báo cáo tóm tắt Dự án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam mà Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ ngày 1/10, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ kéo dài khoảng 1.545 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP HCM).
Tuyến đường sắt này sẽ được đường đôi, có khổ ray 1.435 mm và tốc độ tối đa lên đến 350 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 67,3 tỷ USD).
Dự kiến mang về 22 tỷ USD
Đáng chú ý, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm vào tăng trưởng GDP trong quá trình xây dựng. Các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD. Số tiền ước tính này chưa tính tiền bán vé các chặng.
Đặc biệt, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD) và hàng triệu việc làm.
Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao cũng sẽ là “cú hích” cho phát triển kinh tế thể hiện trên các khía cạnh như: Đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức; mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất; phát triển công nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng thép, xi măng;
Đồng thời, phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, đến năm 2050 sẽ tiết kiệm khoảng 172 triệu USD/năm do giảm phát thải CO2; giảm tai nạn giao thông (đến năm 2050, tiết kiệm khoảng 1.906 triệu USD/năm); tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo ra hàng triệu việc làm; trong thời gian xây dựng ước tính góp phần tăng GDP bình quân của cả nước tăng khoảng 0,97 điểm %/năm.
Sau khi đưa đường sắt tốc độ cao vào khai thác, kinh nghiệm thế giới cho thấy hiệu quả tích cực đến kinh tế - xã hội là rất lớn: Tại Trung Quốc sau khi đưa tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải vào khai thác năm 2012, GRDP các địa phương dọc tuyến tăng lên gấp đôi sau 10 năm (trưởng trung bình 11%/năm, trong vòng 10 năm từ 2012 đến 2022).
Ngoài ra, đây là phương thức vận tải xanh, là giải pháp hữu hiệu để thực hiện các cam kết của Việt Nam đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tương tự mô hình các nước trên thế giới, dòng doanh thu tính toán hoàn vốn cho dự án chủ yếu từ nguồn thu từ vận tải, khai thác thương mại (quảng cáo, kinh doanh tại các nhà ga...). Theo tính toán, từ năm 2036 trở đi, doanh thu từ vận tải có thể cân đối cho chi phí vận hành, bảo dưỡng phương tiện, bảo trì kết cấu hạ tầng và thời gian hoàn vốn khoảng 17,7 năm.
Tác động tích cực đến nền kinh tế
Đánh giá về dự án này, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một đại dự án của Việt Nam và chắc chắn sẽ có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế xã hội.
Đây là một mảnh ghép trong cả bức tranh chung về hạ tầng. Là bởi các kết nối liên quan đến hạ tầng phục vụ cho logistics cần phải đường đầu tư đồng bộ, toàn diện: Từ cảng biển, cảng hàng không đến cảng kết nối đường bộ, đường sắt và đường thuỷ.
Trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, những đại dự án như vậy sẽ làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc hoàn thành các dự án hạ tầng lớn như vậy cũng làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nhờ việc giảm thiểu chi phí logistics khi đã có hạ tầng kết nối đồng bộ.
Ngoài ra, các dự án như thế này cũng là cơ hội nâng cao và phát triển ngành công nghiệp trong nước thông qua việc để các doanh nghiệp nội tham gia xây dựng, tiến tới từng bước học hỏi làm chủ công nghiệp.
Các doanh nghiệp lắp ráp trong nước cũng có cơ hội nhận được sự chuyển giao công nghệ từ nhà đầu tư nước ngoài và từng bước nội địa hóa phương tiện đối với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.
Từ đó, nâng cao trình độ sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện cũng như làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao.