Đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam giảm tháng thứ 3 liên tiếp
Theo số liệu của Hải quan Thái Lan, xuất khẩu đường (HS:1701) của Thái Lan vào Việt Nam trong tháng 4/2021 xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 16,3% so với tháng trước và giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 25,8 nghìn tấn.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam đã giảm 41,3% (tương ứng 158,4 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm 2020, xuống còn 225,6 nghìn tấn.
Bình quân 4 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam đạt 380 USD/tấn (FOB), tăng 10,9% so với mức giá 343 USD/tấn (FOB) của cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 4/2021, giá đường xuất khẩu của Thái Lan sang Việt Nam đạt bình quân 430 USD/tấn, tăng 8,4% so với tháng 3/2021 và tăng tới 29,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế tạm thời thuế CBPG, CTC đối với đường nhập khẩu Thái Lan, giá mua mía trong nước niên vụ 2020-2021 đã tăng từ 150.000- 200.000 đồng/tấn mía so với trước đây, đạt bình quân 1 triệu đồng/tấn mía (tương đương khoảng 44,36 USD/tấn mía).
Mức giá này đã tiệm cận với giá mía trong khu vực ASEAN (khoảng trên dưới 50 USD/tấn mía).
Số liệu từ Hải quan Thái Lan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Xuất khẩu Đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hoá học, ở thể rắn (HS: 1701) của Thái Lan sang các thị trường trong tháng 4 và 4 tháng năm 2021
Thị trường cung cấp | Tháng 4/2021 | So với tháng 3/2021 (%) | So với tháng 4/2020 (%) | 4 tháng đầu năm 2021 | So với 4 tháng năm 2020 (%) |
Tổng | 330.640 | 52,7 | -48,0 | 1.173.174 | -55,7 |
Indonesia | 88.383 | 198,8 | -68,8 | 292.220 | -75,6 |
Việt Nam | 25.845 | -16,3 | -85,9 | 225.625 | -41,3 |
Campuchia | 52.993 | -18,8 | 300,9 | 194.549 | 9,7 |
Hàn Quốc | 75.835 | 1.159,7 | 632,1 | 107.389 | -45,3 |
Malaysia | 6.625 | -23,8 | -14,3 | 54.315 | -33,5 |
Nhật Bản | 22.329 | 5.254,7 | 20,1 | 51.548 | -6,9 |
Đài Loan | 16.011 | -7,0 | -46,7 | 48.798 | -66,6 |
Lào | 3.698 | -72,7 | -24,5 | 46.992 | 14,7 |
Singapore | 7.115 | -28,3 | -46,1 | 31.604 | -38,4 |
Papua New Guinea | 2.634 | -34,5 | -32,0 | 17.662 | -16,8 |
TT khác | 29.173 | -5,9 | -57,2 | 102.472 | -65,0 |
Số liệu từ Hải quan Thái Lan. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)
Cần tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ ngành mía đường
Cũng theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến cuối tháng 4/2021, hầu hết các nhà máy mía của ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2020-2021, toàn ngành đã ép được 6,3 triệu tấn mía sản xuất được 661.712 tấn đường.
Ước tính sản lượng đường của vụ 2020-2021 sẽ đạt khoảng dưới 700.000 tấn, thấp hơn 100.000 tấn so với vụ 2019-2020 và chưa bằng một nửa so với vụ 2017/18.
Sản xuất mía đường của Việt Nam từ vụ 2016-2017 đến vụ 2020-2021
Chỉ tiêu | Vụ 2016/17 | Vụ 2017/18 | Vụ 2018/19 | Vụ 2019/20 | Vụ 2020-2021 |
Sản lượng (tấn) | 1.240.000 | 1.475.000 | 1.173.993 | 802.365 | 700.000 |
Diện tích (ha) | 274.340 | 269.078 | 192.386 | 157.809 | 137.676 |
Số hộ nông dân | 219.472 | 215.262 | 153.909 | 126.247 | 110.141 |
Lượng đường phá giá tràn vào thị trường liên tiếp nhiều năm và lên đến đỉnh điểm là năm 2020 đã khiến giá đường trong nước giảm thấp, dẫn đến giá thu mua mía bắt buộc phải giảm thậm chí có những thời điểm thấp hơn giá thành sản xuất mía, buộc người nông dân chuyển đổi cây trồng, do đó diện tích đất trồng mía ngày càng thu hẹp.
Số hộ nông dân trồng mía và diện tích trồng mía ngày càng suy giảm, niên vụ 2020-2021 chỉ còn khoảng 50% so với diện tích vụ 2016/17, khiến cho khoảng 109.331 hộ nông dân trồng mía không thể tiếp tục sản xuất mía (vụ 2019/20 con số này là 93.225 hộ nông dân).
Tuy nhiên không chỉ 109.331 hộ nông dân trồng mía gặp khó khăn, mà những hộ nông dân còn đang cố gắng duy trì trồng mía cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn nợ nần do không thể chuyển đổi được trong khi thu nhập từ cây mía quá thấp.
VSSA đánh giá đây là mức thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà chưa quốc gia trồng mía nào trong khối ASEAN phải gánh chịu vì sự sút giảm vùng nguyên liệu khiến các nhà máy buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa.
Lượng nhà máy đường Việt Nam phải đóng cửa cũng là mức kỷ lục trong khối ASEAN. Hiệp hội cho rằng với sự thiệt hại nghiêm trọng như trên, một số khu vực trồng mía của Việt Nam rất khó có khả năng hồi phục.
Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường thô Thái Lan nhập khẩu về đến cảng Việt Nam nếu tính theo mức bình quân hai năm 2019 và 2020 sau khi áp thuế CBPG 33,88% và mức thuế ATIGA 5% sẽ tương đương 10,8 triệu đồng/tấn.
Trong khi theo cách tính được các quốc gia trồng mía trong ASEAN thừa nhận là giá mía chiếm từ 65-70% giá đường, với giá đường thô 10,8 triệu đồng/tấn, thì giá mía chỉ còn khoảng 702.457- 756.492 đồng/tấn.
Hiệp hội xác định rằng có sự liên quan mật thiết giữa mức thuế áp cho đường thô và giá mua mía cho nông dân.
Vì vậy, với giá mua mía tương quan với giá đường thô nhập khẩu như trên sẽ khiến cho các nhà máy đường không thể duy trì giá mua mía trong vụ 2021-2022 tới đây theo khuyến cáo của Hiệp hội, cũng như bằng hoặc cao giá mua mía thực tế bình quân khoảng 1 triệu đồng/tấn trong vụ 2020-2021 vừa qua.
Nguyên nhân là đường thô nhập khẩu giá thấp sẽ dìm giá đường xuống khiến cho đường sản xuất trong từ mía trong nước tiếp tục bị ép giá dẫn đến không thể bán được hoặc bán dưới giá thành sản xuất khiến không thể duy trì giá mua mía và thanh toán tiền mía cho nông dân.
Đồng thời, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cũng cho rằng phòng vệ thương mại phải bảo đảm cho người nông dân được hưởng giá mía tương đương với các đồng nghiệp trong khu vực và khi đó ngành đường Việt Nam mới có cơ may tồn tại.
Do đó, Hiệp hội đề xuất Bộ Công Thương xem xét mức thuế CBPG, CTC đối với đường thô một cách cẩn trọng có tính đến tác động đến giá mua mía cho nông dân và liên quan trực tiếp đến việc tồn tại, phát triển và phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam.
Trước đó, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 477/QĐ-BTC về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Theo đó, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế - xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước (gồm cả tạo điều kiện về nguyên liệu cho sản xuất), người tiêu dùng, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế CBPG, CTC đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/