|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dược Hậu Giang đặt mục tiêu cán mốc 1.000 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2025

15:54 | 14/04/2021
Chia sẻ
Dược Hậu Giang cho biết mức tăng trưởng bình quân 2022 - 2025 mục tiêu 8% – 10%/năm. Công ty lên kế hoạch năm 2025 sẽ đạt 5.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Trong cuộc họp trực tuyến với cổ đông của CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) diễn ra sáng nay (ngày 14/4), đại diện phía công ty đã chia sẻ kế hoạch kinh doanh năm 2021 với 3.970 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với thực hiện năm 2020. Đồng thời kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tương đương năm ngoái, đạt 821 tỷ đồng.

Riêng kết quả kinh doanh quý I của công ty dự kiến công bố ngày 20/4 tới.

Dược Hậu Giang đặt mục tiêu cán mốc 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2025 - Ảnh 1.

Doanh thu (cột trái) và lợi nhuận trước thuế (cột phải) của DHG. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC hợp nhất kiểm toán của DHG).

Chia sẻ cụ thể, đại diện DHG cho biết doanh thu từ kênh bán lẻ/kênh nhà thuốc (OTC) dự kiến tăng 6%, mảng kênh đấu thầu/kênh bệnh viện (ETC) dự kiến tăng khoảng 12% năm 2021.

Phía công ty cho biết mức tăng trưởng bình quân năm 2022 - 2025 mục tiêu 8% – 10%/năm. Công ty sẽ phấn đầu đến năm 2025, đạt 5.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, chính sách cổ tức mỗi năm sẽ duy trì ổn định từ 30%/vốn điều lệ trở lên.

Theo doanh nghiệp, kênh OTC vẫn là kênh khai thác chính của công ty trong năm nay, song kênh ETC vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng. Đại diện doanh nghiệp khẳng định kênh ETC sẽ tăng trưởng và công ty sẽ đánh mạnh hơn vào mảng này, một phần nhờ vào chính sách của nhà nước khi đấu thầu thuốc sẽ ưu tiên các doanh nghiệp nội hơn.

Phía DHG tiết lộ, kế hoạch trúng thầu năm 2021 của DHG dự kiến cao hơn năm ngoái, do tiêu chuẩn thuốc của DHG cao hơn khiến giá đầu thầu sẽ được giá hơn.

Động lực để công ty phát triển kênh điều trị ETC còn đến từ sự kết hợp với CTCP Chế tạo thuốc Taisho (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản). 

Tháng 5/2016, CTCP Chế tạo thuốc Taisho rót 100 triệu USD để mua 24,44% cổ phần DHG với mức giá 100.000 đồng/cp. Đến tháng 6/2018, Taisho quyết định nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,94%. Giữa năm 2019, Taisho đã nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên trên 51% và chính thức trở thành công ty mẹ của DHG.

Việc hợp tác với Taisho sẽ chú trọng trên ba chiều, bao gồm các sản phẩm của Taisho sẽ chuyển giao công nghệ cho DHG sản xuất và bán tại thị trường Việt Nam; các sản phẩm của DHG sẽ chuyển giao và bán cho thị trường của Taisho; và các đối tác của Taisho sẽ hợp tác với DHG để DHG sản xuất sau đó bán cho thị trường của đối tác.

Phía công ty chia sẻ, Taisho sẽ hỗ trợ DHG phát triển cả thuốc kê đơn và không kê đơn, nhưng chủ yếu tập trung về mặt công nghệ.

Hiện Taisho đã cử 4, 5 chuyên gia tham gia vào bộ máy điều hành sản xuất của DHG, đồng thời, công ty Nhật Bản này cũng cử người vào ban giám đốc, ban kiểm toán để kiểm soát hoạt động nội bộ công ty.

Khi được nhà đầu tư hỏi về việc DHG có thể dễ dàng rơi vào trường hợp của CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (Mã: DMC) khi về tay Abbott, đại diện phía DHG bày tỏ :"Taisho hướng DHG đi theo mô hình của tập đoàn và hỗ trợ để DHG phát triển theo hướng bền vững". Giai đoạn 2022 - 2027, ước tính đóng góp của Taisho vào công ty khoảng 500 tỷ đồng.

Khó khăn về giá nguyên liệu tăng 

Chia sẻ về những khó khăn trong năm 2021, công ty cho biết các nguyên liệu sản xuất chính của DHG cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành chủ yếu nhập khẩu (80% - 90%) nên chịu ảnh hưởng các yếu tố đầu vào như: biến động giá nguyên liệu, chính sách thuế nhập khẩu, tỷ giá ngoại tệ,…

Dược Hậu Giang đặt mục tiêu cán mốc 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2025 - Ảnh 3.

Nhà máy Dược Hậu Giang đang vận hành với công suất khoảng 75%. (Nguồn: DHG).

Cụ thể, đại diện công ty dược thông tin giá nguyên liệu sẽ tăng, một phần đến từ nhu cầu vận chuyển thuốc của công ty bằng đường hàng không, và một phần đến từ nhà máy sản xuất thuốc ở Trung Quốc bị ô nhiễm và buộc phải xây lại. 

Đồng thời, giá bao bì cũng sẽ cao hơn năm ngoái. Song, phía công ty khẳng định đây chỉ là tác động ngắn hạn đến hoạt động của công ty.

Bên cạnh đó, các sản phẩm từ doanh nghiệp dược nước ngoài với công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quốc tế, tiềm lực tài chính mạnh cùng với tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt sẽ là yếu tố gây khó khăn cho công ty, đồng thời cũng là cơ hội.

Các sản phẩm nhập khẩu (như thuốc ung thư), những sản phẩm mà DHG cũng như các doanh nghiệp dược khác chưa sản xuất được khiến thị phần thuốc nhập khẩu cao hơn thuốc sản xuất trong nước về mặt giá trị. Công ty cho biết sẽ hướng tới đưa giá trị thuốc sản xuất trong nước chiếm 70% thị phần theo chủ trương của Chính phủ.

Minh Hằng