|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Đừng vì thành tích CPI e ngại dứt điểm tăng giá dịch vụ công'

15:18 | 30/04/2017
Chia sẻ
"Không cần thiết phải tính toán mỗi tháng tăng một vài dịch vụ công, ở một vài tỉnh. Điều này không có nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế học. Cứ tăng một lần giá các dịch vụ đó, nền kinh tế có thể bị sốc nhưng sẽ tự có điều tiết", chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận định.
dung vi thanh tich cpi e ngai dut diem tang gia dich vu cong
'Có thể tăng giá dịch vụ công đồng loạt, đừng vì giữ thành tích CPI'. (Ảnh: Tiền phong).

Mỗi "cú" điều chỉnh giá dịch vụ công liệu có sức mạnh gây đủ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của nền kinh tế, phóng viên có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Market Intello về tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ công đối với lạm phát và việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Thưa ông, trong báo cáo tình hình kinh tế quý I, Market Intello có đưa ra nhận định, lạm phát phát trong tháng 3/2017 tiếp tục được đóng góp chủ yếu từ tăng giá của các nhóm hàng hóa do Nhà nước điều chỉnh. Lâu nay, việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo cũng thường được đưa ra như nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng, gây ra lạm phát. Vậy theo ông, điều chỉnh giá các dịch vụ công có phải là một nguyên nhân cốt lõi tác động đến lạm phát ở nước ta thời gian qua?

dung vi thanh tich cpi e ngai dut diem tang gia dich vu cong

- Đúng là việc điều chỉnh giá dịch vụ công của Việt Nam gây sự xáo trộn về giá cả tiêu dùng. Tuy nhiên theo tôi việc tăng giá các dịch vụ công này không có sức gây ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Bản chất lạm phát do cung tiền nến nếu được cứ để các khu vực ngành nghề chủ động về giá thay vì kiểm soát và điều chỉnh bởi Chính phủ như hiện nay. Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cung tiền, đảm bảo lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế ở mức không dư thừa là được. Nếu kiểm soát điều đó tốt sẽ giữ CPI ở mức ổn định.

Vẫn có một tâm lý e sợ tăng giá dịch vụ cơ bản sẽ khiến CPI vượt cao hơn mức mục tiêu 4 – 5% Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên tôi vẫn giữ quan điểm CPI trung và dài hạn bản chất do chính sách tiền tệ gây ra. Nếu ngân hàng nhà nước quản lý tốt cung tiền thì CPI sẽ duy trì ở mức thấp và ổn định theo hướng mong muốn.

Điều này đã chứng tỏ rất rõ trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay khi NHNN duy trì kiểm soát mức cung tiền ở mức 16 – 18% (tăng trưởng tín dụng). Tất nhiên còn những yếu tố khác như tỷ giá, giá nguyên vật liệu thế giới cũng ảnh hưởng đến CPI. Nhưng nhìn chung việc điều chính giá dịch vụ công không phải nguyên nhân chính dẫn đến tăng CPI.

Nếu nhìn nhận cách tiếp cận như vậy, việc điều chỉnh những giá hàng hóa cơ bản mà nhà nước vẫn giữ hiện nay như giá y tế giáo dục hoàn toàn có thể tự do điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Có thể điều chỉnh một lần dứt điểm, không nhất thiết phải phân chia mỗi tháng tăng một ngành, ở một địa phương "rón rén" như hiện nay.

Tức là có thể điều chỉnh cùng một lúc giá dịch vụ công đồng loạt thưa ông?

Đúng vậy! Vì tâm lý e sợ những cú sốc, muốn giữ thành tích CPI quý nào cũng ổn định nên nhà điều hành chính sách chia ra mỗi tháng tăng một loại dịch vụ công, ở một số địa phương. Về mặt kinh tế học điều này không có ý nghĩa gì cả. Đừng vì thành tích CPI e ngại việc tăng một lần dứt điểm giá dịch vụ công.

Khi điều chỉnh giá dịch vụ công đồng loạt như vậy, giá có thể tăng “sốc” tại tháng đó, mức tăng 0,5% hay thậm chí 1% so với tháng trước do điều chỉnh. Nhưng đây chỉ là cú số tức thời tại thời điểm đó, sau đó chỉ số giá tiêu dùng sẽ giảm dần. Nền kinh tế sẽ chịu đựng một lần sau đó sẽ tự điều tiết, tình trạng leo thang giá sẽ không thể diễn ra. Đến cuối năm hoặc qua năm sau, tính về tổng của CPI có thể tăng cao hơn khi không có cú sốc khoảng 1%. Cần lưu ý, điều này không dẫn đến tăng CPI một cách dài hạn, chỉ là nhất thời và sẽ giảm dần.

Nếu tất cả các ngành, các địa phương cùng tăng một lần như vậy, có khi nào cú sốc lên mức rất lớn, trên mức 1% mà ông đưa ra?

- Không cần thiết phải e sợ tất cả các ngành đều tăng đồng thời trong một tháng. Bởi nguyên tắc ở đây, Chính phủ không chỉ ngừng định đoạt thời điểm tăng giá và tăng như thế nào, Chính phủ còn cần phải trao quyền cho các ngành đó được toán giá dịch vụ trên cơ sở chi phí đâu vào và công khai được cơ chế hình thành giá đó. Khi đó, giá cả do thị trường vận hành.

Thực chất là để các trường tính toán đầy đủ chi phí vào học phí, bệnh viện tự quản được giá y tế đầu vào. Ngành nào tự chủ được cứ để họ thực hiện tăng 1 lần, không cần thiết áp đặt tỉnh này tăng, tỉnh kia chờ. Các đơn vị thực hiện trên nhu cầu của chính mình nên khó có khả năng tất cả tăng cùng lúc đủ tạo ra cú sốc quá lớn.

Ưu điểm ở đây sẽ cải thiện được các ngành nghề mà Chính phủ đã kiểm soát quá lâu làm cơ chế thị trường bị méo mó. Cơ chế giá đầu vào đầu ra không tốt sẽ làm cho ngành nghề hoạt động kém hiệu quả. Việc ngành nghề đó hoạt động không hiệu quả bất lợi hơn nhiều so với giá bị tăng sốc trong ngắn hạn.

Vậy điều Chính phủ cần quan tâm ở đây là gì thưa ông?

- Việc điều chỉnh lúc nào, có cùng lúc một hay không không quan trọng. Quan trọng là các đơn vị cung cấp dịch vụ công có chuẩn bị sẵn sàng cho điều chỉnh đó. Khi điều chỉnh phải có tính toán, công khai được cơ sở hình thành cơ chế giá đó. Chính phủ cần đảm bảo minh bạch, công khai về cơ sở hình thành cơ chế giá, đảm bảo chất lượng của các dịch vụ tương ứng với giá cả. Khi đảm bảo được yếu tố đó, các đơn vị, các tỉnh muốn tăng Chính phủ nên để họ tăng bất kì thời điểm vào thấy cần thiết và tốt cho họ.

Xin cảm ơn ông!

Minh Tâm

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.